Thế giới lên án bức ảnh bé trai cầm thủ cấp binh sỹ Syria
Thủ tướng Australia Tony Abbott vừa lên án một bức ảnh rùng rợn có cảnh một bé trai đang cầm thủ cấp của một quân nhân Syria bị giết.
Bức ảnh được chụp tại thành phố Raqa ở phía Bắc Syria và được tải lên tài khoản Twitter của Khaled Sharrouf, công dân Australia đã tới Syria từ năm ngoái và nay là một chiến binh của ISIS, tổ chức đã tự đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS).
Dường như thấy bức ảnh còn chưa đủ độ sốc, Sharrouf còn chua thêm một câu chú thích ở dưới bức ảnh: “Con tôi đấy!”.
Ông Tony Abbott cảnh báo rằng bức ảnh cho thấy Nhà nước Hồi giáo nguy hiểm như thế nào, trong bối cảnh tổ chức đã mở rộng các khu vực họ kiểm soát ở Iraq và Syria.
“Có nhiều bức ảnh trên báo chí Australia hôm nay mô tả các hành động tàn bạo gớm ghiếc mà tổ chức này thể hiện” – ông Abbott nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh ABC Radio.
“Nhà nước Hồi giáo, như tổ chức này tự gọi mình, không chỉ là một nhóm khủng bố. Đó là một quân đội khủng bố và chúng không chỉ tìm cách tạo ra một vùng đất khủng bố mà còn là một chính thể khủng bố, một nhà nước khủng bố”.
“Điều này mang tới những vấn đề đặc biệt lớn, không chỉ với người dân Trung Đông mà cả thế giới. Và chúng ta đã chứng kiến ngày càng nhiều các chứng cứ cho thấy tổ chức này man rợ tới đâu”.
Các lãnh đạo khác của thế giới cũng bình luận về bức ảnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng bức ảnh đã cho thấy “chứng cứ rùng rợn về mối đe dọa mà ISIS mang tới”.
“ISIS là mối đe dọa với thế giới văn minh, hiển nhiên là với Mỹ, với các lợi ích của chúng tôi, cũng như với châu Âu và với Australia” – ông Hagel nói khi tới Sydney tham dự hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng Australia – Mỹ (AUSMIN).
Cựu tư lệnh lục quân Peter Leahy, người đang gây tranh cãi khi cảnh báo về cuộc chiến dài 100 năm chống Hồi giáo cực đoan, đánh giá bức ảnh cho thấy một “hành động tàn bạo”. “Đứa trẻ đó sẽ nghĩ gì? Nó sẽ trở thành thứ gì trong phần đời còn lại?” – ông Leahy nói với Sky News.
“Chúng ta phải lên án mạnh mẽ nhất có thể” – viên tướng nói – “Chúng ta phải lên tiếng với tư cách một cộng đồng và tất cả các cộng đồng – cộng đồng Australia, cộng đồng người Hồi giáo ở hải ngoại, các lãnh đạo Hồi giáo ở Australia, tất cả phải lên án dạng hành vi đó”.
Thủ lĩnh phe đối lập Australia Andrew Leigh nói rằng dù bức ảnh rất kinh khủng, nó cũng nhắc nhở người ta thấy rằng “chủ nghĩa cực đoan xuất hiện dưới nhiều vỏ bọc ngụy trang”. Ông chỉ ra ví dụ minh họa là vụ đánh bom Oklahoma do một người Công giáo thực hiện.
Năm 1995, cựu binh Mỹ Timothy McVeigh đã dùng xe tải chở đầy bom phá hủy tòa nhà Alfred P. Murrah ở Oklahoma, làm 168 người chết. Phần lớn các nạn nhân là trẻ em đang ở tại một nhà trẻ nằm trong tòa nhà.
Chính quyền Australia ước tính 150 công dân của họ đang trực tiếp tham chiến hoặc hỗ trợ chiến đấu các tay súng IS ở Syria và Iraq./.