Thế giới tiếp tục lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật quốc tế
VOV.VN - Tổng thống Mỹ, Thủ tướng New Zealand, Đài Australia, phóng viên Australia đều lên tiếng về vấn đề Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông.
Trước những hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế hôm qua một lần nữa hối thúc nước này tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh những những động thái có thể làm leo thang căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Điều quan trọng với chúng ta là có thể giải quyết những tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan duy trì khuôn khổ luật pháp để giải quyết những vấn đề tranh chấp. Chúng tôi phản đối hành động làm leo thang căng thẳng, mà có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và thương mại”.
Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng New Zealand John Key tuyên bố, quan điểm của chính phủ New Zealand rất rõ ràng, là: tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển. Điều này rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định tại khu vực trên thế giới.
Cần nói rõ là, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và vùng biển này hoàn toàn không có tranh chấp. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tổ chức họp báo lên án hành vi đơn phương gây căng thẳng của phía Trung Quốc, đơn phương vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp trên biển, vi phạm luật pháp quốc tế. Chính vì thế, những hành vi đơn phương làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông đã vấp phải chỉ trích của chính phủ nhiều nước, cũng như của báo chí và giới học giả quốc tế.
Đài ABC của Australia hôm qua đã đăng bình luận về các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông, ngay sau khi nước này thông báo về việc di chuyển thêm 4 giàn khoan dầu vào Biển Đông, ngoài giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đã triển khai sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5/2014.
Theo bài báo, thông báo của Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh nhiều nước tại châu Á “đang tức giận” trước những động thái ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài báo dẫn lời ông Scott Darling, thuộc Trung tâm nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt châu Á của ngân hàng JP Morgan tại Hong Kong cho rằng, theo dõi những động thái vừa qua của Trung Quốc thì thấy, việc nước này triển khai thêm nhiều giàn khoan ở Biển Đông, đặc biệt là trong giai đoạn mùa hè, mùa cao điểm của hoạt động khoan dầu là không bất ngờ. Điều này một lần nữa cho thấy tham vọng thâu tóm toàn bộ biển Đông của Trung Quốc thông qua “chính sách bành trướng” ngày càng bộc lộ rõ.
Cũng hãng tin này hôm qua đăng bài viết của nữ phóng viên Samantha Hawley về chuyến đi ra đảo Hoàng Sa bằng tàu cảnh sát biển 2016 của Việt Nam mới đây. Bài viết đã miêu tả một cách chân thực về cách hành xử của các tàu Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như cho thấy quyết tâm của Việt Nam kiên trì giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình.
Trong bài viết của mình, phóng viên Samantha Hawley đã mô tả, Trung Quốc có số lượng tàu áp đảo gấp nhiều lần so với Việt Nam. Vào ngày cuối cùng trên biển, con tàu chở Hawley bị 10 tàu Trung Quốc vây quanh. Các tàu này vờn quanh tàu cảnh sát biển của Việt Nam và có lúc tiến sát như chuẩn bị đâm vào, trong khi cảnh sát biển Việt Nam vẫn kiên trì dùng loa để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc ngừng hành động xâm phạm chủ quyền và rút khỏi vùng biển Việt Nam.
Rõ ràng, Trung Quốc đang đi ngược lại luật pháp quốc tế khi liên tục có những hành động xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Tòa án trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã đặt thời hạn chót ngày 15/12 tới để Trung Quốc phản hồi đơn kiện của Philippines về những tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Đông.
Năm ngoái, Philippines đã trình lên tòa án trọng tài quốc tế hồ sơ dày 4.000 trang, trong đó đưa ra chi tiết các luận cứ và bằng chứng pháp lý, phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết khu vực Biển Đông - vốn không có giá trị và phi pháp chiểu theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982./.