Thế giới tròn 2 năm kể từ khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch, mối lo vẫn còn
VOV.VN - Hôm nay (11/3) đúng 2 năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu, vốn khiến hơn 450 triệu người mắc và làm hơn 6 triệu người tử vong trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nhân loại vẫn chưa thể chấm dứt được dịch bệnh cho dù nhiều quốc gia đã tiến hành đợt tiêm chủng rộng khắp. Thậm chí nhân loại tiếp tục đối mặt với mối lo mới khi ngày càng nhiều loại biến thể xuất hiện. Mới nhất là biến thể lai giữa Delta và Omicron vừa xuất hiện tại Anh.
“Chúng ta đã chứng kiến quá trình virus sinh sôi, biến đổi và đột biến. Do vậy chúng ta biết rằng sẽ có thêm các biến chủng khác, trong số đó có thể có các biến chủng đáng lo ngại. Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch".
Biến chủng mà Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới, bà Soumya Swaminathan đề cập là một biến thể lai giữa hai biến thể Delta và Omicron được gọi là Deltacron đã được phát hiện tại Anh. Mặc dù giới khoa học chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể lai này nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ “theo dõi và thảo luận” sau khi nghiên cứu kỹ về biến thể này.
Đây là biến thể mới nhất trong hàng loạt biến thể đã tấn công nhân loại trong 2 năm qua. Từ chủng gốc ban đầu, hiện virus SARS-CoV-2 đã biến đổi thành 5 “biến thể đáng quan ngại” (VOC), gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron, cùng hàng chục “biến thể đáng quan tâm”. Các biến thể sau dường như vượt trội hơn các biến thể trước về khả năng “né tránh” vaccine, kéo theo tốc độ lây nhiễm cao hơn, đẩy số ca nhiễm mới liên tục lập kỷ lục.
Đỉnh điểm, do sự lây lan của biến thể Omicron, tháng 1 vừa qua, số ca nhiễm mới trong 1 ngày của thế giới lần đầu tiên vượt mốc 3 triệu ca và duy trì trong suốt nhiều ngày. Con số này cho thấy một thực tế phũ phàng rằng trong suốt lịch sử, thế giới chưa từng ghi nhận virus nào có tốc độ lây lan “chóng mặt” như virus SARS-CoV-2.
Vào thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch năm 2020, virus SARS-CoV-2 có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 121.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 4.300 ca tử vong. Thế nhưng, chỉ 1 năm sau đó, số ca nhiễm trên thế giới đã tăng tới hơn 1.500 lần, lên gần 182 triệu triệu ca và số ca tử vong tăng hơn 630 lần, lên hơn 2,6 triệu ca. Sau 2 năm, virus SARS-CoV-2 đã “mở rộng phạm vi hoạt động” tới khoảng 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 452 triệu ca mắc, trong đó hơn 6 triệu người không qua khỏi. So với thời điểm năm 2020, số ca mắc mới hiện đã tăng hơn 3.700 lần, trong khi số ca tử vong tăng hơn 1.400 lần.
Hiện nhiều nước bắt đầu coi Covid-19 không còn là đại dịch mà là bệnh đặc hữu, đồng nghĩa với việc chuyển hướng sang "sống chung an toàn", vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trước những động thái này, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo rằng, đại dịch Covid-19 khó có thể loại bỏ hoàn toàn trong “một sớm, một chiều”. Biện pháp thiết thực nhất để đưa thế giới chuyển từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu là đảm bảo công bằng vaccine.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros nói: “Tùy thuộc vào nơi bạn sống mà bạn có cảm giác như đại dịch Covid-19 sắp kết thúc. Nhưng dù bạn sống ở đâu, đối với chúng tôi, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Dịch bệnh là không biên giới và chúng tôi biết loại virus này sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, công cụ để ngăn ngừa và chấm dứt dịch bệnh, kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đó là mọi quốc gia đều nhận được vaccine từ chương trình tiêm chủng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới”.
Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, hợp tác nhiều hơn chính là con đường giúp chấm dứt đại dịch và “vĩnh viễn khép lại chương buồn của lịch sử nhân loại”./.