Thế gọng kìm buộc Thủ tướng Netanyahu phải chấm dứt cuộc chiến ở Gaza

VOV.VN - Trong bối cảnh chiến sự leo thang và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng trên khắp Dải Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đứng trước một lựa chọn vô cùng khó khăn: nên chấm dứt hay tiếp tục cuộc chiến với Hamas?

Áp lực về một thỏa thuận ngừng bắn ngày càng gia tăng, Thủ tướng Israel đang kẹt cứng giữa hai gọng kìm. Một mặt, Nhà Trắng đang đe dọa sẽ ngừng viện trợ nếu mũi súng của quân đội Israel còn tiếp tục hướng về Gaza; mặt khác, các quan chức trong Nội các Tel Aviv lại yêu cầu duy trì chiến sự nhằm đạt được mục tiêu “xóa sổ Hamas” như tuyên bố trước đó của người đứng đầu Chính phủ Israel.

Gọng kìm thứ nhất: Mỹ quay lưng lại với đồng minh Israel

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/5 thông báo Israel đã chuyển đến Hamas một đề xuất 3 giai đoạn với một lộ trình dẫn đến việc chấm dứt lâu dài các hành động thù địch ở Dải Gaza cũng như thả tất cả con tin đang bị giam giữ.

Đề xuất gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu dự kiến dài 6 tuần, bao gồm lệnh ngừng bắn "hoàn toàn và hoàn chỉnh" và Israel sẽ rút khỏi "tất cả các khu vực đông dân cư" ở Gaza để thường dân có thể trở về nhà và các chuyến hàng viện trợ sẽ được tăng cường trong khu vực này.

Giai đoạn thứ hai được Tổng thống Mỹ xem là "sự kết thúc vĩnh viễn tình trạng thù địch", cho phép các con tin được trả tự do, cùng với sự lui quân toàn bộ của lực lượng Tel Aviv. Giai đoạn thứ ba sẽ tạo nên một khởi đầu mới cho Gaza với kế hoạch tái thiết vùng đất này.

Trong bối cảnh Hamas đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cũng bày tỏ hy vọng Israel có hành động tương tự.

Sức nóng từ cuộc đua vào Nhà Trắng và làn sóng biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ buộc Tổng thống Joe Biden phải gia tăng áp lực lên đồng minh Israel nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Gaza. Sau hơn 8 tháng giao tranh, con số thương vong tại khu vực này đã vượt mốc 36.000 người.

Tiến sĩ Samuel Ramani thuộc Cơ quan nghiên cứu quốc phòng và an ninh của Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định đề xuất ngừng bắn lần này là “đề xuất có sức nặng nhất” từ trước đến nay, trong bối cảnh những thỏa thuận qua lại giữa Israel, Hamas và các quốc gia trung gian vốn đã không đạt được tiến triển trong nhiều tháng đàm phán qua.

 “Áp lực từ phía Mỹ đang ở mức cao nhất từ ​​trước đến nay, rất có thể họ sẽ làm mọi cách để buộc ông Netanyahu phải đồng ý”, ông Ramani đánh giá.

Trước đó 1 tháng, Mỹ - nhà viện trợ vũ khí lớn nhất hiện nay của Israel, đã ra tối hậu thư buộc nước này phải dừng kế hoạch tấn công Rafah (Gaza) – nơi trú ẩn của hơn 1,2 triệu người Palestine, nếu không Washington sẽ "cắt nguồn cung". Ngay tại thời điểm tuyên bố của Washington được đưa ra, Tổng thống Biden đã cho rút lại chuyến hàng vận chuyển vũ khí tới Israel như một minh chứng thuyết phục cho thái độ cứng rắn của người đứng đầu Nhà Trắng.

“Đã đến lúc cuộc chiến phải kết thúc”, Tổng thống Mỹ nói.

Trước đó, trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 3, Mỹ cũng bỏ phiếu trắng, thay vì phủ quyết, đối với đề xuất thông cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas, bất chấp mối quan hệ khăng khít giữa hai nước.

Ngay cả cựu Tổng thống Donald Trump – người từng có một nhiệm kỳ sát cánh với Israel trong nhiều vấn đề chính trị,  cũng lên tiếng kêu gọi Israel dừng cuộc chiến và cho rằng Tel Aviv “đang mất đi rất nhiều sự ủng hộ trên thế giới”, bóng gió nói đến sự ủng hộ của chính nước Mỹ dành cho quốc gia Trung Đông này.

Như vậy, ngay cả khi Nhà Trắng có nguy cơ đổi chủ vào tháng 11 tới, thái độ của Mỹ vẫn không thay đổi. Ông Netanyahu vẫn phải đối mặt với nguy cơ lớn rằng Mỹ sẽ lựa chọn quay lưng lại với Israel, đặc biệt trong bối cảnh Israel vẫn phải chia đều quân lực để đối phó với Hamas ở Gaza và Hezbollah ở khu vực biên giới phía Bắc, giáp Lebanon.

Gọng kìm thứ hai: Nguy cơ lật đổ chính phủ Israel

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben Gvir lên tiếng đe dọa sẽ lật đổ chính phủ nếu Thủ tướng Israel chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn.

“Nếu thủ tướng thực hiện thỏa thuận liều lĩnh theo các điều kiện được công bố hôm nay, điều đó nghĩa là xung đột kết thúc và từ bỏ việc tiêu diệt Hamas, Otzma Yehudit sẽ giải tán chính phủ”, ông Smotrich nói về đảng chính trị của mình, đồng thời là đảng giúp ông Netanyahu nắm được đa số ghế trong quốc hội.

Theo Bộ trưởng Tài chính Israel, thỏa thuận này đồng nghĩa với kết thúc chiến tranh và từ bỏ mục tiêu tiêu diệt Hamas, “tạo cơ hội chiến thắng cho chủ nghĩa khủng bố và là mối đe dọa an ninh đối với Israel”.

Cố vấn cấp cao của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Ophir Falk đánh giá kế hoạch của ông Biden “chưa hẳn là một thỏa thuận có lợi và còn nhiều chi tiết cần phải làm rõ”, trong khi vào hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã nhắc đến việc Israel cần “một giải pháp” thay thế khác cho vấn đề Gaza.

Ông Michael Milshtein, cựu Giám đốc tình báo về các vấn đề Palestine của Lực lượng Vệ binh Israel và là người đứng đầu Diễn đàn Nghiên cứu Palestine tại Đại học Tel Aviv, cho biết ông tin rằng “bản chất của chiến thắng cuối cùng” là điều còn thiếu trong đề xuất của Tổng thống Biden.

“Bên nào cũng muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng quan trọng là sau khi chiến tranh chấm dứt, Gaza sẽ thuộc về ai. Hamas muốn có được quyền kiểm soát Gaza, trong khi Israel muốn xóa sổ sự hiện diện của lực lượng này ở đây”, ông Milshtein nói.

Ông Milshtein  cho rằng đây cũng là lý do khiến các bộ trưởng Israel đe dọa rời khỏi chính phủ, bởi vì họ “hiểu rằng Israel sẽ có thể phải chịu thiệt nếu chấp nhận thông qua thỏa thuận”.

Hiện tại, dù có nhiều thiệt hại về người, Israel đã đạt được thành tựu bước đầu là tiêu diệt được hai lãnh đạo cấp cao của Hamas trong một cuộc tấn công ở Rafah hôm 26/5. Nhiều chuyên gia nhận định, việc Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn cho thấy lực lượng này “đã cảm thấy yếu thế hơn”, tăng cường niềm tin cho phía Israel rằng, nếu áp lực quân sự đủ mạnh, Tel Aviv sẽ có thể buộc Hamas phải “biến mất” khỏi Dải Gaza mà không cần thông qua thỏa thuận đình chiến hiện nay.

Thế khó của Thủ tướng Netanyahu

Áp lực quốc tế và căng thẳng trong nước vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Hồi tháng 5, Tòa án Quốc tế Hình sự Quốc tế (ICC) đã đề nghị bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì “những tội ác đang diễn ra ở Gaza”. Cuối tuần trước, một cuộc biểu tình lớn ở Israel do gia đình các con tin bị Hamas giam giữ phát động đã nổ ra, nhằm kêu gọi chính phủ nhanh chóng hành động. Chính phủ Israel cho biết Hamas đang giữ khoảng 85 con tin ở Gaza và hài cốt của 39 người khác.

Hiện nay, dù phản đối chiến dịch quân sự ở Rafah, nhưng có vẻ như Mỹ vẫn chưa thực sự hành động cứng rắn trước những diễn biến tiếp theo sau ngày quân đội Israel đặt chân lên thành phố này. Tiến sĩ Milshtein cho rằng tình thế này sẽ kéo dài thêm một thời gian trước khi ông Netanyahu phải đưa ra quyết định cuối cùng.

“Israel vẫn tiếp tục cuộc chiến khi đang câu giờ với Mỹ. Mỹ vẫn đang “mắt nhắm mắt mở” cho qua những hành động của Israel tại Gaza”, Tiến sĩ Milshtein nói.

Ông Netanyahu chưa chấp thuận thông qua đề xuất của Tổng thống Mỹ, nhưng cũng không phản đối. Hãng tin Israel Hayom trích lời Thủ tướng Israel: “Iran và tất cả kẻ thù của chúng tôi đang theo dõi xem chúng tôi có đầu hàng hay không”, đồng thời cho biết thêm rằng phần lớn các báo cáo về việc ông Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đều là “tin giả”. Tại thời điểm này, Thủ tướng Israel mới chỉ chấp nhận “dừng chiến tranh trong vòng 6 tuần” và không nhắc tới việc kết thúc chiến tranh.

Theo ông Gershon Baskin, một nhà đàm phán kỳ cựu của Israel, “sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến này mà chỉ có kẻ thua cuộc”.

“Không phải bây giờ và cũng chưa bao giờ có một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột xung đột tại Gaza”, ông Baskin nhận định.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Israel trước lựa chọn ngừng bắn hay bảo toàn chính phủ liên minh
Thủ tướng Israel trước lựa chọn ngừng bắn hay bảo toàn chính phủ liên minh

VOV.VN - Hai đối tác cực hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua (3/6) cảnh báo sẽ rút khỏi liên minh chính phủ nếu nước này nhượng bộ trước bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào bỏ qua mục tiêu loại bỏ Hamas.

Thủ tướng Israel trước lựa chọn ngừng bắn hay bảo toàn chính phủ liên minh

Thủ tướng Israel trước lựa chọn ngừng bắn hay bảo toàn chính phủ liên minh

VOV.VN - Hai đối tác cực hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua (3/6) cảnh báo sẽ rút khỏi liên minh chính phủ nếu nước này nhượng bộ trước bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào bỏ qua mục tiêu loại bỏ Hamas.

Thủ tướng Israel: Đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Mỹ công bố là chưa đầy đủ
Thủ tướng Israel: Đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Mỹ công bố là chưa đầy đủ

VOV.VN - Tiếp tục chuỗi phản ứng thiếu nhất quán của chính giới Israel với đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Mỹ công bố ngày 31/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 3/6 tuyên bố rằng đề xuất do nhà lãnh đạo Mỹ công bố là chưa đầy đủ và có sự vênh lệch so với phiên bản của Israel.

Thủ tướng Israel: Đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Mỹ công bố là chưa đầy đủ

Thủ tướng Israel: Đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Mỹ công bố là chưa đầy đủ

VOV.VN - Tiếp tục chuỗi phản ứng thiếu nhất quán của chính giới Israel với đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Mỹ công bố ngày 31/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 3/6 tuyên bố rằng đề xuất do nhà lãnh đạo Mỹ công bố là chưa đầy đủ và có sự vênh lệch so với phiên bản của Israel.

Israel chấp nhận đề xuất về Gaza mà Mỹ công bố: Lối thoát cho cục diện bế tắc?
Israel chấp nhận đề xuất về Gaza mà Mỹ công bố: Lối thoát cho cục diện bế tắc?

VOV.VN - Hôm qua (2/6), Israel xác nhận nước này chấp nhận đề xuất về Gaza mà Mỹ công bố hôm 31/5 - động thái được hy vọng là có thể mở ra lối thoát cho cục diện bế tắc hiện nay tại Gaza.

Israel chấp nhận đề xuất về Gaza mà Mỹ công bố: Lối thoát cho cục diện bế tắc?

Israel chấp nhận đề xuất về Gaza mà Mỹ công bố: Lối thoát cho cục diện bế tắc?

VOV.VN - Hôm qua (2/6), Israel xác nhận nước này chấp nhận đề xuất về Gaza mà Mỹ công bố hôm 31/5 - động thái được hy vọng là có thể mở ra lối thoát cho cục diện bế tắc hiện nay tại Gaza.