Thế khó của Nga nếu tiếp tục kéo dài chiến sự với Ukraine
VOV.VN - Viễn cảnh về một cuộc chiến tiêu hao kéo dài có thể khiến ông Putin cởi mở hơn với sự thỏa hiệp nếu Tổng thống Mỹ đắc cử Mỹ khởi động các cuộc đàm phán hòa bình vào năm tới.
Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 3,6% trong năm nay, nền kinh tế Nga không “khỏe mạnh” như những báo cáo được công bố rộng rãi trên các nền tảng truyền thông. Lãi suất ở mức 21% và sự sụt giảm 6% của đồng rúp trong năm qua là những dấu hiệu không mấy tin cực về nền kinh tế thời chiến của Nga.
Cuộc chiến tiêu hao với Ukraine đã bước sang năm thứ ba. Trong năm tới, Nga sẽ chi 17.000 tỷ rúp (tương đương 170 tỷ USD) cho các hoạt động quốc phòng và an ninh, chiếm hơn 41% ngân sách nhà nước. Con số này gần gấp 3 lần so với năm 2021, theo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).
Lạm phát có thể cao hơn nhiều so với mức được công bố chính thức là 8,5%, cao gấp đôi mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đề ra. Hàng hóa tiêu dùng đang tăng giá với tốc độ ngày càng nhanh, trong đó giá bơ cũng tăng 34% trong 10 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Reuters.
Ở một mức độ nào đó, tăng giá tiêu dùng chỉ là một công cụ để tạo ra sự chuyển dịch từ nền kinh tế thời bình sang thời chiến. Tuy nhiên, về lâu dài, điều đó sẽ gây ra hậu quả khó lường. Giải pháp khả thi nhất cho vấn đề này là thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nếu lạm phát tiếp tục gia tăng, mức tăng trưởng 21% của nền kinh tế Nga vẫn không đủ để bù đắp.
Những điều này đang vẽ nên một bức tranh kinh tế ảm đạm trong tương lai không xa, đặc biệt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây đang bủa vây Nga.
Cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và CBR đều mô tả tình trạng hiện tại của nền kinh tế Nga là “quá nóng”. Theo dự báo chính thức của Chính phủ Nga, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ hạ về 2,5% trong năm 2025, từ mức 3,9% dự kiến đạt được trong năm nay, lạc quan hơn dự báo của IMF.
Rủi ro đối với nền kinh tế Nga
Một trong những rủi ro mà Nga có thể đối mặt là phương Tây có thể siết chặt hơn nữa các chính sách trừng phạt, bao gồm việc áp giá mạnh dầu xuất khẩu của Nga lên trên mức 60 USD/thùng. Trong khi đó, Tây Âu cũng có thể ngừng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga.
Một rủi ro thậm chí còn lớn hơn đối với Moscow là giá dầu toàn cầu, vốn đã giảm 35% so với mức đỉnh điểm sau khi nổ ra xung đột với Ukraine, sẽ tiếp tục giảm. Mặc dù điều này chưa chắc chắn nhưng liên minh dầu mỏ OPEC+ đã kìm hãm nguồn cung tương đương 5,7% nhu cầu toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc cũng chững lại do nền kinh tế đứng thứ hai thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng từ ô tô chạy xăng dầu sang xe điện.
Bên cạnh đó, triển vọng thu lợi từ dầu mỏ sẽ thấp hơn nữa nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, đồng thời áp thuế 10%-20% đối với hàng hóa đến từ những khu vực khác. Thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, giá dầu thô có thể giảm mạnh và Nga có thể phải đối mặt với tình trạng thâm hụt kinh tế.
Đó là chưa kể, tuy ngân hàng trung ương Nga báo cáo khoản dự trữ hiện nay là 614 tỷ USD nhưng trên thực tế, phương Tây đã đóng băng một nửa trong số này.
Ông Marc DeVore, giảng viên cao cấp tại Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học St. Andrews (Scotland) nhận định, mô hình phát triển dựa vào chi tiêu quân sự không bền vững sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế dân sự thời hậu xung đột. Nga sắp tới có thể sẽ phải đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn: tiếp tục duy trì mức chi tiêu quốc phòng cao sẽ làm nghẹt nền kinh tế dân sự; trong khi việc cắt giảm chi tiêu quân sự có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Hiện Nga đang gặp khó khăn trong việc thay thế vũ khí bị mất hoặc hỏng hóc trên chiến trường. Cụ thể, Nga đã mất trung bình hơn 100 xe tăng và khoảng 220 khẩu pháo mỗi tháng, theo thống kê của Reuters. Tuy nhiên, sản xuất mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Đối mặt với một kịch bản như vậy, giới quan sát cho rằng, Nga sẽ cần một thỏa thuận hòa bình để tránh cho nền kinh tế tiếp tục thâm hụt nghiêm trọng vì xung đột. Hai trong những yếu tố thúc đẩy Moscow tiến gần tới bàn đàm phán là việc phương Tây vẫn đang ủng hộ Kiev bằng cách huy động 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng để hỗ trợ nước này và giá dầu vẫn tăng chóng mặt.