Thêm một loạt quốc gia phản đối Mỹ trong vấn đề Jerusalem
VOV.VN - Đã có thêm nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tiếp sau các nước Trung Đông, châu Âu và Liên Hợp Quốc; các quốc gia châu Á và châu Mỹ cùng với Australia đã lên tiếng phản đối sự công nhận đơn phương của Mỹ rằng Jerusalem là thủ đô của Israel.
Toàn cảnh thánh địa Jerusalem. Ảnh: AP
Trong một thông báo với những lời lẽ mạnh mẽ, Chính phủ Malaysia nhấn mạnh, Mỹ “phải xem xét lại” về quyết định trên vì điều này sẽ chấm dứt “tất cả các nỗ lực” giải quyết vấn đề giữa Israel – Palestine từ trước đến nay, đồng thời sẽ “gây ra những hậu quả nghiêm trọng” đối với sự ổn định của Trung Đông và “kích động những tư tưởng cực đoan gây khó khăn hơn cho nỗ lực chống khủng bố”.
Cùng chung quan điểm, Tổng thống Indonesia Joko Widodo – quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất trên thế giới cho biết: “Indonesia lên án việc Mỹ công nhận đơn phương Jerusalem là thủ đô của Israel và yêu cầu Mỹ xem xét lại quyết định này. Sự công nhận đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mà Mỹ là một thành viên thường trực. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới hòa bình của thế giới.”
Tổng thống Joko Widodo cho biết, các đại diện của nước này sẽ tham dự cuộc họp đặc biệt của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia thành viên để thảo luận về vấn đề này.
Trong khi đó, Singapore tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài và kiên định đối với giải pháp “hai nhà nước” cho xung đột Israel - Palestine, đồng thời cảnh báo “mọi hành động đơn phương và hấp tấp nhằm thay đổi tình trạng của Jerusalem sẽ cản trở tiến trình lập lại hòa bình cho khu vực”.
Nhật Bản - một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á - đã tránh đề cập lập trường rõ ràng về quyết định trên của Tổng thống Donald Trump. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, vấn đề về quy chế Jerusalem nên được giải quyết thông qua các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thông qua các cuộc thương lượng giữa các bên liên quan.
Còn Australia bày tỏ quan ngại về những căng thẳng gia tăng từ quyết định của Mỹ chuyển đại sứ quán của nước này ở Israel. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop khẳng định, không có ý định di dời đại sứ quán nước này tại Tel Aviv.
Về phía Ấn Độ, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định lập trường của Ấn Độ về Palestine hình thành dựa trên quan điểm và những lợi ích của chính quốc gia này và không chịu chi phối của một bên thứ ba.
Tại khu vực Mỹ Latin, Bộ Ngoại giao Argentina cho biết, nước này “lấy làm tiếc” về những hành động đơn phương có thể làm tổn hại tới quy chế đặc biệt của Jerusalem, thể theo các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Argentina tuyên bố ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” và mong muốn các bên chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận đường biên giới chung được xác định vào năm 1967.
Bộ Ngoại giao Cuba cũng đã thẳng thắn bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cho rằng tuyên bố vi phạm các quyền lợi hợp pháp của nhân dân Palestine, các nước Arab và Hồi giáo.
Trước đó, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đảo ngược chính sách 7 thập kỷ qua của nước này khi công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel.
Giới chuyên gia Mỹ nhận định, sự ủng hộ này là một lời cam kết, nhưng cũng tiềm ẩn một mối đe dọa ngầm cho người Israel, rằng nước này sẽ phải “nghe lời” nước Mỹ hơn trong tương lai.
Bởi lẽ chính sách “nước Mỹ trên hết” là nguyên tắc duy nhất có thể giải thích cách tiếp cận “khác biệt” vấn đề Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump so với những người tiền nhiệm. Đất nước Israel đã nhận được sự công nhận và họ sẽ phải đáp lại điều này, bằng cách này hay cách khác./.
Toàn cảnh Jerusalem vừa được Mỹ công nhận là thủ đô của Israel