Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người nhập cư có hiệu lực từ ngày 20/3
VOV.VN - Sau nhiều cuộc đàm phán, cuối cùng, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã đạt được thỏa thuận về vấn đề nhập cư.
Theo đó, tất cả những người nhập cư vào Hy Lạp sẽ bị gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ và với mỗi người Syria bị trả về, một người Syria khác sẽ được phép quay lại châu Âu. Thỏa thuận được đánh giá là bước đi quan trọng trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư đang ngày càng vượt tầm kiểm soát hiện nay, song nhiều nhà phân tích cũng tỏ ra thận trọng trước việc triển khai văn kiện này trên thực tế.
Người nhập cư chen lấn, xô đẩy nhau để đến châu Âu. (Ảnh: RT)
Kết thúc đàm phán, cả Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đều thể hiện sự hài lòng với thỏa thuận đạt được trong vấn đề nhập cư. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận lại tất cả những người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu từ các vùng bờ biển nước này để nhận được sự đồng ý của các nhà lãnh đạo châu Âu về cơ chế trao đổi người tị nạn và đồng thời nhận được khoản hỗ trợ tài chính lên tới 6 tỷ euro. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn được hưởng cơ chế miễn thị thực cho công dân nước này muốn vào Liên minh châu Âu và đẩy nhanh tiến trình gia nhập khối.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng: “Đây là một ngày lịch sử bởi chúng ta đã đạt được một thỏa thuận quan trọng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu. Thỏa thuận này góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai bên, cũng như cho tiến trình xin gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ và các hồ sơ liên quan. Tất nhiên điều quan trọng nhất đó là vấn đề miễn thị thực. Kể từ khi tiến trình tái chấp nhận bắt đầu, cơ chế miễn thị thực cũng tự động có hiệu lực và chúng tôi hi vọng là trước cuối tháng 6 tới.”
Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận trên thực tế lại là một vấn đề gây hoài nghi. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, để có thể ngăn được luồng người di cư vào châu Âu, sẽ phải có kế hoạch tái triển khai quy mô lớn bộ máy an ninh, mà theo giới phân tích là khó có thể phù hợp với những ưu tiên của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Nga không kích yểm trợ quân đội Syria tiến vào Palmyra
Lý do là hiện nay, chính phủ của ông Erdogan đang dồn lực cho việc trấn áp các phong trào nổi dậy của người Cuốc, cũng như ngăn không cho cuộc nội chiến tại Syria vượt biên giới. Còn đối với Hy Lạp, quốc gia đã quá kiệt quệ sau nhiều năm suy thoái, hệ thống tị nạn và tư pháp của nước này vẫn chưa thể đáp ứng được với quy mô cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như kỳ vọng mà thỏa thuận Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra.
Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, Liên minh châu Âu đã quá nóng vội, thậm chí còn ví việc cụ thể hóa thỏa thuận ngay từ ngày mai cũng khó giống như việc “biến Hy Lạp thành Hà Lan chỉ trong 1 tuần.”
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Tổng thống Pháp Hollande dù đánh giá cao thỏa thuận đạt được, song cũng một lần nữa nhắc lại lập trường của nước này rằng, văn kiện đạt được không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngay lập tức trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu:
“Sau thỏa thuận này, lập trường của Pháp hay của châu Âu đều không thay đổi. Lập trường của Pháp là cuộc đàm phàn này không phải là về vấn đề gia nhập, cũng như không dự đoán trước bất kỳ kết quả nào. Lập trường của châu Âu đó là tiến trình này vẫn phải mất nhiều năm.”
Dù còn nhiều hoài nghi về thỏa thuận đạt được, song theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Đức Merkel, đây là bước tiến đáng kể của các bên trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư đang ngày càng vượt tầm kiểm soát hiện nay./.