Thỏa thuận Geneva về Ukraine trước nguy cơ sụp đổ
VOV.VN - Mỹ có thể áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine
Thỏa thuận tạm thời nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine mà các bên liên quan vừa đạt được ở Geneva tuần trước có nguy cơ sớm đổ vỡ khi Mỹ và Nga liên tiếp cáo buộc và quy trách nhiệm lẫn nhau đã phá vỡ thỏa thuận này. Trong khi đó, tình hình ở miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau các vụ bạo lực phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn ngày lễ Phục sinh vừa qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki (ảnh: Huffington Post) |
Trong cuộc điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Mỹ John Kerry và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đều nhấn mạnh rằng để chấm dứt leo thang căng thẳng tại Ukraine, chính quyền lâm thời Kiev hiện nay phải thực hiện nghiêm túc và toàn diện thỏa thuận Geneva vừa đạt được tuần trước giữa 4 bên Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine.
Theo thỏa thuận này, tất cả các nhóm vũ trang trái phép ở miền Đông Ukraine phải giải giáp và rời các tòa nhà chiếm đóng, đồng thời thiết lập phái đoàn giám sát của châu Âu. Tuy nhiên, ông Lavrov cáo buộc chính phủ tạm quyền ở Kiev đã phá vỡ thỏa thuận này khi không kiểm soát được những phần tử cực hữu, đồng thời cho rằng Mỹ cũng phải nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine vì sự hậu thuẫn của Washington đối với chính phủ tạm quyền ở Kiev.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng những tuyên bố của Nga bày tỏ nghi ngờ cam kết của Ukraine đối với thỏa thuận Geneva hồi tuần trước là hoàn toàn trái ngược với sự thật. Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, chính phủ Ukraine đã cam kết điều tra thấu đáo vụ bạo lực ở Slavyansk, do đó Moscow không nên vội vàng cáo buộc Kiev cho đến khi cuộc điều tra chấm dứt. Bên cạnh đó, chính phủ Ukraine cũng đã thể hiện cam kết với thỏa thuận Geneva bằng cách cử đại diện đến miền Đông nước này phối hợp với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thực thi thỏa thuận trên.
Ngược lại, Mỹ cho rằng giờ đây chính Nga phải thể hiện cam kết thực thi thỏa thuận tạm thời ở Geneva hồi tuần trước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong cuộc điện đàm với ông Lavrov hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Nga cần phải có những bước tiến cụ thể như công khai kêu gọi những người biểu tình đòi ly khai ở miền Đông Ukraine rời khỏi các tòa nhà chiếm giữ, chấp nhận lệnh ân xá và bày tỏ sự bất bình của họ bằng con đường chính trị. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Ngoại trưởng Mỹ cũng đã kêu gọi Nga cử đại diện ngoại giao hợp tác với phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) để các nhóm ly khai thấy rõ rằng Nga ủng hộ thỏa thuận Geneva và muốn giảm căng thẳng ở miền Đông Ukraine.”
Bà Jen Psaki cũng cho biết, Mỹ có thể áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ cũng có thể sẽ trừng phạt các cá nhân, công ty cũng như các lĩnh vực kinh tế khác của Nga. Tuy nhiên động thái này sẽ chưa được tiến hành ngay lập tức, ít nhất là trong bối cảnh Phó Tổng thống Biden đang ở thăm Ukraine.
Trong khi đó, hôm qua, các nhà đàm phán châu Âu đã gặp người đứng đầu nhóm biểu tình đòi ly khai ở Slavyansk, ông Vyacheslav Ponomaryov để đề nghị họ thực thi thỏa thuận Geneva và báo cáo lại ý định của nhóm này lên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.
Phát biểu sau cuộc gặp này, ông Ponomaryov tuyên bố không công nhận thỏa thuận Geneva song cho biết: “Chúng tôi không cho rằng đây là một cuộc đối thoại mà chỉ là 1 cuộc gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi quan điểm về những gì đang diễn ra và lắng nghe gợi ý từ phía họ. Chúng tôi đã quyết định sẽ tiếp tục hợp tác”.
Cùng ngày, những người biểu tình ủng hộ Nga ở thành phố miền Đông Luhansk tổ chức tuần hành kêu gọi trưng cầu ý dân về việc liên bang hóa Ukraine và tăng cường quan hệ với Nga. Họ đã tập trung trước trụ sở cơ quan an ninh của thành phố vốn bị những người biểu tình đòi ly khai chiếm giữ từ ngày 6/4./.