“Thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở Syria là giả dối”
VOV.VN - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Schumer đã gọi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ là "giả dối".
Ngày 17/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí chấm dứt chiến dịch quân sự ở phía bắc Syria sau khi các tay súng người Kurd đồng ý rút lui khỏi khu vực an toàn.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer. Ảnh: AFP |
Chiến dịch của Ankara “sẽ dừng lại hoàn toàn" sau quá trình rút quân này, Phó Tổng thống Pence nhận định với báo giới sau nhiều giờ trao đổi với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Ankara sáng cùng ngày.
Sau thông báo trên, bà Pelosi và ông Schumer bình luận rằng thỏa thuận này "đã phá hủy nghiêm trọng uy tín trong chính sách ngoại giao của Mỹ và phát đi một thông điệp nguy hiểm với các đồng minh và các đối thủ của chúng ta rằng những tuyên bố của Mỹ là không đáng tin cậy. Tổng thống Erdogan chẳng từ bỏ điều gì cả và Tổng thống Trump đã cho ông ấy mọi thứ".
Bất chấp việc thỏa thuận được đưa ra, các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đều khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen đã thông báo một dự luật nhằm áp các lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Ankara không lâu trước khi thỏa thuận trên được thông báo.
Ngoài việc nhắm tới các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, dự luật này còn được đưa ra nhằm chấm dứt sự hợp tác quân sự giữa Mỹ với đồng minh NATO này, cũng như áp các lệnh trừng phạt bắt buộc về việc Ankara mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.
"Thổ Nhĩ Kỳ có những mối quan tâm về an ninh hợp pháp ở Syria nhưng họ không thể giải quyết điều đó bằng một cuộc xâm lược và sử dụng tới lực lượng quân sự", ông Graham cho biết trong một tuyên bố.
Thượng nghị sĩ này cũng khẳng định Quốc hội sẽ áp các lệnh trừng phạt như một biện pháp mạnh mẽ nhất có thể nhằm chống lại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria bởi hành động này của Ankara có thể dẫn đến sự trỗi dậy của IS và hủy hoại đồng minh người Kurd của Washington.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đưa quân đội và vũ khí tiến vào các vị trí của người Kurd nhằm đẩy lùi lực lượng này khỏi phía đông sông Euphrates.
Chiến dịch trên diễn ra 3 ngày sau khi Tổng thống Trump thông báo sẽ rút toàn bộ quân Mỹ khỏi khu vực này - một động thái được cho là đã bỏ mặc đồng minh người Kurd trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định rút quân của ông Trump khỏi Syria cũng bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội chỉ trích nặng nề./.