Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen liệu có được khôi phục trở lại?
VOV.VN - Việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vẫn đang gặp khó khăn, bất chấp nỗ lực của các bên liên quan. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 23/9 đã chỉ rõ lý do tại sao Nga vẫn chưa thể quay trở lại thỏa thuận này.
Thông báo về kết quả hoạt động tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm qua cho biết ông đã giải thích với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về lý do đề xuất gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen của ông Guterres không hiệu quả. Ngoại trưởng Nga khẳng định Nga không phớt lờ đề xuất của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, mà đơn giản chỉ là biện pháp này không thể thực hiện. Ngoại trưởng Nga cũng dẫn lại thông báo của Điện Kremlin đưa ra trước đó, nêu rõ, Nga sẽ quay lại thỏa thuận chỉ khi nào những quan ngại của Nga được giải quyết.
“Lý do chính khiến chúng tôi rời bỏ thỏa thuận là vì mọi lời cam kết với chúng tôi thực ra chỉ là lời dối trá. Tôi tôn trọng nỗ lực của Tổng thư ký và các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Họ thực sự đang nỗ lực nhưng chúng tôi chưa thấy ngân hàng nông nghiệp chính của chúng tôi quay trở lại hệ thống SWIFT, cũng như chúng tôi chưa thấy giải pháp nào cho phép Nga tiếp cận các cảng ở Địa Trung Hải và các cảng khác mà không bị cản trở, cũng như không có giải pháp cho vấn đề bảo hiểm khi chi phí đã tăng gấp 4 lần. Không vấn đề nào trong số này được giải quyết cả”, ông Lavrov nói.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Ngoại trưởng Nga, trong đó đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vốn đã hết hạn từ tháng 7 vừa qua.
Trong bức thư, ông Guterres đã nhấn mạnh đến việc các bên phải thực hiện các cam kết đối với Nga: “Tôi tin rằng chúng tôi đã đưa ra những đề xuất có thể là cơ sở cho việc gia hạn thỏa thuận một cách ổn định. Chúng ta không thể có một sáng kiến Biển Đen đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, đình chỉ hết lần này đến lần khác. Chúng ta cần phải có một thứ gì đó hiệu quả và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”.
Theo thông tin được Bộ Ngoại giao Nga cung cấp, nội dung chính các đề xuất của ông Guterres đưa ra gồm kết nối lại một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga - Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, thiết lập một nền tảng bảo hiểm, dỡ bỏ phong tỏa tài sản ở nước ngoài của các công ty sản xuất phân bón Nga và cho phép các tàu của Nga cập bến các cảng châu Âu. Đổi lại, Liên Hợp Quốc muốn Nga bảo đảm Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được nối lại ngay lập tức và đầy đủ.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm ngoái, đã cho phép thực hiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và các thực phẩm khác một cách an toàn từ các cảng của Ukraine ở Biển Đen. Nga đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7 vừa qua, cáo buộc phương Tây không thực hiện cam kết đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của riêng Nga. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc vẫn chưa thuyết phục được Nga quay lại thỏa thuận này.
Việc thỏa thuận ngũ cốc này bị đình chỉ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Phi. Cũng nhờ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc biển đen, Ukraine – quốc gia vốn được xem là vựa lúa mì của châu Âu - đã xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc, qua đó giúp giảm giá lương thực trên toàn thế giới và giảm bớt lo ngại về nạn đói toàn cầu ngày càng trầm trọng do tác động của cuộc xung đột.