Thông điệp gửi người tị nạn “Hãy cân nhắc lại hành trình tới châu Âu”
VOV.VN - May mắn vượt qua Địa Trung Hải để đặt chân lên đất châu Âu, nhưng hành trình của những người tị nạn chưa kết thúc.
Những người tị nạn đang mắc kẹt tại đây, tiếp tục là nạn nhân của bọn buôn người hay đối mặt với sự phản đối bài ngoại từ một bộ phận người dân địa phương. Một người tị nạn, dù đã may mắn tới được châu Âu và đang trong hành trình từ Áo để tới đích đến cuối cùng là Đức, đã gửi thông điệp tới những người muốn thực hiện cuộc tị nạn này rằng, “Hãy cân nhắc lại hành trình tới châu Âu vì rất nhiều mối nguy hiểm đã chờ sẵn”.
Đến cuối tuần qua, số người tị nạn tới Đức đã lên đến gần 17.000 người và con số này đang không ngừng tăng lên. Dòng người nhập cư từ Áo và Hungary tiếp tục đổ tới Đức. Nhà chức trách Đức đã bố trí những chuyến tàu chở người nhập cư tới các thành phố trên cả nước.
Người tị nạn ở một trại trước ga Keleti ở Budapest, Hungary. (ảnh: Reuters). |
Munich, Frankfurt hay Dortmund trong 2 ngày qua đã đón những chuyến tàu đầu tiên chở người nhập cư, chủ yếu từ Syria. Họ nhận được sự chào đón và đồ viện trợ, lương thực từ các tình nguyện viên và nhiều người dân địa phương.
Những nụ cười hiếm hoi đã xuất hiện trên gương mặt những người tị nạn sau một hành trình dài đầy nguy hiểm và khó khăn. Thậm chí, những đứa trẻ tị nạn còn nhận được những món đồ chơi từ tay những người bạn nhỏ địa phương .
Với những người nhập cư đã tới Đức, họ còn không thể tin vào sự chào đón và những gì đang nhận được, khi mà chỉ vài ngày trước, họ còn đang mắc kẹt tại thủ đô Budapest của Hungary, thậm chí còn đụng độ với cảnh sát khi cố gắng chen lên các chuyến tàu tại nhà ga Keletiđể tới Áo và sau đó là Đức.
Cuối tuần qua, cảnh tượng hỗn loạn tại nhà ga Keleti ở Budapest đã không còn, sau khi chính phủ Đức quyết định mở cửa biên giới tiếp nhận người tỵ nạn Syria, một động thái ngoại lệ của Đức trước những lo ngại về vấn đề nhân đạo đối với người nhập cư. Sau quyết định của Đức, Hungary cũng đã hỗ trợ đưa người nhập cư tới biên giới Áo bằng xe buýt trong đêm 4/9 và rạng sáng 5/9.
Trải qua hành trình dài đầu nguy hiểm, may mắn đặt chân tới châu Âu nhưng lại bị mắc kẹt chính tại đây và phải chứng kiến sự hỗn loạn, bạo lực từ cuộc khủng hoảng nhập cư, nhiều người dù may mắn có thể tiếp tục hành trình để tới đích là Đức, lại gửi đi những thông điệp cảnh báo về hành trình tới châu Âu đầy rẫy nguy hiểm.
Anh Hamed Abeid-Ullah, 20 tuổi, đến từ Afghanistan, đã cùng những người bạn của mình vượt qua Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Serbia và đang trên đường tới Áo để đến Đức chia sẻ rằng: “Chúng tôi đã có một cuộc hành trình tồi tệ để tới đây. Và tôi muốn gửi thông điệp tới tất cả những người Afghanistan, dù họ đang ở Iraq, Syria hay Iran rằng, đây là một hành trình tồi tệ và rất nguy hiểm. Có thể bạn sẽ bỏ mạng khi bị lạc trong rừng hay bị giết hại vì rất nhiều lý do trong hành trình này. Mọi thứ đều có thể xảy ra. Thông điệp của tôi là, hãy ở lại đất nước của mình, không đâu tốt hơn quê nhà mình”.
Hàng trăm nghìn người từ các nước đang chìm trong xung đột tại Trung Đông, các nước nghèo đói tại châu Phi và châu Á đã vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu. Cái giá cho hành trình tị nạn nguy hiểm này là mạng sống của hàng nghìn người kể từ đầu năm đến nay.
Tại Đức, đích đến lý tưởng của nhiều người tị nạn, không phải người dân Đức nào cũng chào đón họ. Trong những tháng gần đây, số vụ đốt phá các khu trại tị nạn và các hành động tấn công nhỏ lẻ nhằm vào người nhập cư gia tăng đáng kể. Trong đó, chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 8, đã xảy ra 5 vụ đốt phá các khách sạn dành cho người tị nạn tại Đức.
Trong khi đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa được thu hẹp được bất đồng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng leo thang.
Theo kế hoạch, vấn đề người nhập cư sẽ được đề cập tại cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp châu Âu vào ngày 14/9 tới ở Brussels, Bỉ và tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 15 và 16/10 tới. Dự kiến, 28 quốc gia thành viên EU sẽ lập danh sách các quốc gia an toàn cũng như tiếp tục bàn về việc phân chia hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư./.