Thông điệp hòa bình từ Taliban và phản ứng từ dư luận quốc tế
VOV.VN - Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi Afghanistan, Taliban giành quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước sau khi tiến vào thủ đô Kabul. Tuy nhiên, dư luận thế giới cũng “người trong cuộc” tại Afghanistan có phản ứng trái chiều về diễn biến hiện nay.
Sau nhiều ngày tiến công mà không tốn nhiều “đạn dược”, Taliban tiến vào thủ đô Kabul sớm hơn dự đoán, tiếp quản Dinh Tổng thống mà gần như không có tiếng súng nào vang lên. Họ vừa đàm phán, vừa tiến vào Kabul với tuyên bố để ngăn chặn việc cướp bóc, bạo loạn trong tình hình đất nước “không có chính phủ”.
Taliban tuyên bố, việc tiếp quản thủ đô cũng như các tỉnh chiến lược một cách dễ dàng phần lớn là do họ có được sự ủng hộ của người dân.
Trên thực tế, người dân quốc gia này, một phần cũng ủng hộ Taliban, một phần do đã quá mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài 20 năm qua.
“Mọi người đều mệt mỏi với chiến tranh, với các vụ nổ và các cuộc tấn công liều chết. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Chúng tôi hi vọng một hệ thống chính trị với luật Hồi giáo được thiết lập trên toàn bộ đất nước. Chúng tôi hy vọng sẽ có một cuộc sống hòa bình và ổn định”, một người dân Afghanistan cho biết.
Tổng thống Afghanistan tuyên bố chấp nhận “rời đi” để tránh sự đổ máu. Nhiều nguồn tin cho biết, ông và gia đình đang ở Uzbekistan.
Trong khi đó, các tướng lĩnh quân đội cũng chấp nhận đầu hàng và mong rằng, Taliban sẽ mang lại bầu không khí hòa bình và tạo ra an toàn và ổn định ở Afghanistan.
Tuy nhiên, một bộ phận “người dân Afghanistan không chấp nhận Taliban và quyết định di tản khỏi đất nước. Sân bay Kabul ngày 15/8 kẹt cứng, cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng cũng đông đúc dòng người tị nạn.
Sau khi tuyên bố giành chiến thắng và chiến tranh kết thúc, Thủ lĩnh Taliban ngay lập tức ra lệnh cho các lực lượng để mọi hoạt động thường ngày của người dân diễn ra bình thường.
Người phát ngôn của Văn phòng chính trị Taliban Mohammad Naeem nhấn mạnh, Taliban sẽ tôn trọng quyền và tự do của phụ nữ và người thiểu số theo luật Hồi giáo. Về khía cạnh quốc tế, Taliban cam kết “không muốn làm hại ai” và bảo đảm an toàn cho các cơ quan ngoại giao, khẳng định sẽ không để ai sử dụng đất nước này là cứ điểm để tấn công nước khác. Taliban cũng sẵn sàng đối thoại, không muốn bị cô lập và muốn xây dựng quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, trước mắt Taliban sẽ gặp không ít thách thức để có được sự công nhận từ quốc tế. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 15/8 cho biết, không nên có một sự công nhận đơn phương nào với chính quyền sắp tới của Afghanistan.
“Rõ ràng, tình hình đang rất khó khăn. Rõ ràng là sẽ có một chính quyền mới tại Kabul. Tuy nhiên, không nên có một sự công nhận đơn phương nào mà nên có một phản ứng chung và làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi sinh sôi khủng bố”, ông Johnson nói.
Nhiều nước tiếp tục tạm đóng cửa Đại sứ quán, sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao. Theo thông tin mới nhất, toàn bộ nhân viên Đại sứ quán Mỹ cũng đã có mặt ở sân bay thủ đô để sơ tán. Gần 70 quốc gia trên thế giới đã cùng ra một tuyên bố chung đề nghị Taliban tạo điều kiện để người dân Afghanistan và các công dân nước ngoài được rời khỏi Afghanistan theo nguyện vọng, đồng thời các sân bay và đường biên giới của Afghanistan cần luôn được mở cửa. Nhiều hãng hàng không quốc tế cũng đã quyết định tránh không phận Afghanistan trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres yêu cầu Taliban “thực hiện kiềm chế tối đa” ở Afghanistan khi tiếp quản đất nước.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn duy trì các hoạt động bình thường của Đại sứ quán tại Ápghanistan. Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Afghanistan, ông Zamir Kabulov cho biết, ông sẽ có các cuộc tiếp xúc với đại diện lực lượng Taliban trong ngày 15/8, hy vọng có thể thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Moscow và ban lãnh đạo mới của Afghanistan.
Dự kiến, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục theo sát mọi diễn biến tình hình Afghanistan, đặc biệt việc tiếp quản quyền lực của Taliban trong những giờ tới./.