Thông điệp từ các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc
VOV.VN - Ngày 24/9 (theo giờ Mỹ), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã diễn ra phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79. Nhiều thông điệp quan trọng đã được các nhà lãnh đạo thế giới gửi đi.
“Tôi biết nhiều người nhìn vào thế giới ngày nay, thấy những khó khăn và phản ứng lại bằng sự tuyệt vọng. Nhưng tôi thì không. Tôi nhận ra những thách thức từ Ukraine, đến Gaza, đến Sudan và xa hơn nữa. Chiến tranh, nạn đói, khủng bố, sự tàn bạo, việc di dời người dân ở mức kỷ lục, khủng hoảng khí hậu, nền dân chủ đang bị đe dọa, rủi ro về trí tuệ nhân tạo là đáng kể. Còn nhiều hơn nữa... Nhưng có lẽ vì tất cả những gì tôi đã thấy và tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau làm trong nhiều thập kỷ, tôi có niềm tin và hi vọng. Tôi biết rằng có một con đường phía trước”.
Đó là lời mở đầu phát biểu cuối cùng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước các nhà lãnh đạo thế giới tại phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Mỹ khẳng định, NATO đang lớn hơn, mạnh hơn và đoàn kết hơn khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Nước Mỹ vẫn đang theo đuổi một lệnh ngừng bắn ở Gaza và sự giao tranh leo thang giữa Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon vẫn có thể giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhắc tới cuộc xung đột “bị lãng quên hơn” tại Sudan và những gì người dân châu Phi đang cần để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với việc mở rộng thành viên. Đây cũng là lời kêu gọi của hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới khi dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay. Bởi theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, các thể chế và khuôn khổ toàn cầu hiện nay hoàn toàn không đủ để giải quyết các thách thức phức tạp, do những thể chế đó ra đời trong một “kỷ nguyên đã qua”, dành cho một “thế giới đã qua”.
“78 năm kể từ khi thành lập, cơ cấu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn hầu như không thay đổi. Việc đạt được và duy trì hòa bình, an ninh đòi hỏi ý chí chung của cộng đồng các quốc gia. Điều này đòi hỏi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải mang tính đại diện và bao trùm. Châu Phi và 1,4 tỷ người dân của châu lục này vẫn bị loại khỏi các cơ cấu ra quyết định quan trọng của hội đồng”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh.
Chủ đề Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông được hầu hết các nhà lãnh đạo đề cập tới. Những đề xuất hòa bình cho Nga và Ukraine của Trung Quốc và Brazil đưa ra, hay thỏa thuận ngũ cốc biển Đen, đã được nhắc lại nhiều lần. Lời kêu gọi ngừng bắn cho Gaza là “không ngừng nghỉ” từ các nước Arab, Hồi giáo.
Trong bài phát biểu của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thậm chí còn chỉ trích cả đồng minh Mỹ vì ủng hộ Israel “vô điều kiện”.
“Trẻ em không phải là những người duy nhất chết ở Gaza. Các giá trị mà phương Tây tuyên bố bảo vệ đang chết dần. Những hành động của Israel phải bị ngăn chặn bằng liên minh nhân loại. Lý do duy nhất khiến Israel hành động như hiện nay là sự ủng hộ vô điều kiện của một số ít quốc gia dành cho Israel”, nhà lanh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã nhấn mạnh lệnh trừng phạt kinh tế “vô nhân đạo” nhằm vào nước này trong bài phát biểu trước Đại hội đồng: “Các lệnh trừng phạt là vũ khí hủy diệt và vô nhân đạo được thiết kế để làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia. Việc tước đoạt quyền tiếp cận các loại thuốc thiết yếu là một trong những hậu quả đau đớn nhất của các lệnh trừng phạt, gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng nghìn người vô tội. Biện pháp này không chỉ vi phạm trắng trợn quyền con người mà còn cấu thành tội ác chống lại loài người”.