Thông điệp Ukraine gửi phương Tây trong cuộc đột kích lãnh thổ Nga
VOV.VN - Cuộc đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga khiến các nước phương Tây bất ngờ khi trước đó, một số quan chức NATO cho rằng Kiev có thể phải đợi thêm một năm nữa mới có thể phát động một cuộc phản công mới.
Hồi tháng 7, các quan chức NATO cho rằng Ukraine có thể phải đợi thêm một năm nữa mới có thể tiến hành một cuộc phản công mới chống lại các lực lượng Nga.
Theo ông Daniel S. Hamilton, thành viên cao cấp tại Viện Brookings và Viện Chính sách Đối ngoại của Đại học Johns Hopkins SAIS, đánh giá này dựa trên sự chậm trễ trong việc hỗ trợ của phương Tây, đặc biệt là gói viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine bị quốc hội trì hoãn nhiều tháng.
Tuy nhiên, tuần trước, Ukraine đã tiến hành một cuộc đột kích vào tỉnh Kursk của Nga, gây bất ngờ cho cả Moscow và phương Tây. Cuộc tấn công này giống như một lời nhắc nhở với các đồng minh và đối tác của Ukraine rằng, kết quả của cuộc xung đột hiện nay không phải là điều dự đoán trước được. Điều này đặc biệt quan trọng trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra.
Nếu ông Donald Trump tái đắc cử, có khả năng ông sẽ cắt viện trợ quân sự cho Ukraine. Hồi tháng 6, cựu Tổng thống Mỹ từng tuyên bố ông sẽ ngay lập tức “giải quyết vấn đề đó” nếu trở lại Nhà Trắng.
Do đó, Ukraine có thể đang cố gắng đưa mình vào vị thế tốt nhất có thể nếu phải tham gia đàm phán với Nga.
“Về mặt chính trị, mục đích của chiến dịch này là tạo đòn bẩy trước các cuộc đàm phán có thể xảy ra”, Jack Watling, nghiên cứu viên cao cấp về Chiến tranh trên bộ tại Viện Royal United Services, nhận định.
“Ukraine muốn đảm bảo rằng nếu phải đàm phán, họ có những thứ mà Nga muốn trao đổi. Do đó, quân đội Ukraine phải chiếm và kiểm soát một phần lãnh thổ đáng kể của Nga trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đàm phán đó”.
Ông Hamilton cho rằng chiến lược mới của Ukraine chứng minh khả năng tiến hành các hoạt động phức tạp với một số tài sản quân sự, củng cố vị thế của nước này trên chiến trường bằng cách cho thấy họ có thể chủ động định hình cuộc xung đột.
Tuy nhiên, vẫn chưa biết họ có thể tiếp tục chiến dịch này trong bao lâu. Khả năng duy trì động lực phụ thuộc vào việc tiếp tục bổ sung lực lượng, nhưng đây cũng là điều chưa chắc chắn.
Mặt khác, cuộc đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk có thể thúc đẩy phương Tây thay đổi chính sách. Mặc dù chưa cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga, những một số nước đã bày tỏ ủng hộ động thái của Ukraine tại Kursk, trong đó có Đức.
“Ukraine có quyền tự vệ được ghi nhận trong luật pháp quốc tế. Điều này không chỉ giới hạn ở bên trong lãnh thổ của họ”, Bộ ngoại giao Đức cho biết trong một tuyên bố đầu tháng này.
Trong một báo cáo công bố ngày 17/8, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá kết quả và ý nghĩa cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga. ISW nhấn mạnh, do quy mô của cuộc xung đột Nga-Ukraine, bước tiến ở Kursk và các hoạt động của Nga ở miền đông Ukraine có thể không phải là “chiến dịch quân sự mang tính quyết định” để giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện nay.