Thủ tướng Đức: “Ukraine không thông minh nếu tấn công vào lãnh thổ Nga”
VOV.VN - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết phương Tây cam kết ủng hộ lâu dài cho Ukraine, nhưng cảnh báo sẽ là “không thông minh” nếu Ukraine sử dụng các loại vũ khí được viện trợ để tấn công vào lãnh thổ của Nga, đồng thời cho rằng yêu cầu của Ukraine về việc viện trợ máy bay chiến đấu vào thời điểm này là không hợp lý.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Đức ZDF trong ngày 23/2, trước thềm 1 năm ngày nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận ông lo sợ cuộc xung đột tại Ukraine có thể trở thành một cuộc chiến rất dài, dai dẳng trong nhiều năm nhưng khẳng định nước Đức và các nước phương Tây sẽ duy trì sự ủng hộ lâu dài cho Ukraine.
Ông Olaf Scholz cũng nhận định, việc các nước phương Tây gặp nhiều khó khăn trong viện trợ vũ khí cho Ukraine thời gian qua đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc các nước đồng minh phương Tây cần phải xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn, với vai trò nòng cốt dẫn đầu của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liệu Đức và các nước phương Tây đã sẵn sàng gửi các loại máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine theo yêu cầu của chính quyền nước này hay chưa, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá, yêu cầu này từ phía Ukraine là không hợp lý trong thời điểm này. Ông Olaf Scholz cũng lên tiếng cảnh báo chính quyền Ukraine rằng sẽ là “không thông minh” nếu Ukraine sử dụng các loại vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công vào lãnh thổ của Nga.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có chuyến công du đến Ấn Độ cuối tuần này, với một trong các trọng tâm thảo luận là thuyết phục quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của G20 năm 2023 ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine, Ấn Độ là một trong các cường quốc vẫn luôn duy trì quan điểm trung lập, không lên án Nga, không tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây, thậm chí còn gia tăng việc trao đổi thương mại với Nga, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
Rất nhiều cựu quan chức, học giả tại châu Âu nhận định, thời điểm đánh dấu 1 năm nổ ra xung đột tại Ukraine là dịp buộc nhiều lãnh đạo châu Âu nhận thức được các thay đổi lớn trong quan hệ quốc tế do tác động từ cuộc xung đột này, trong đó nổi bật là việc các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi hay rất nhiều quốc gia đang phát triển không chấp nhận đi theo các chính sách chống Nga của phương Tây.
Theo nhận định của cựu Thủ tướng và cựu Ngoại trưởng Pháp, ông Dominique de Villepin, 1 năm xung đột tại Ukraine đã cho thấy phương Tây không thể chỉ tập trung vào mỗi cuộc xung đột trên đất châu Âu mà còn phải nhìn tổng thể ra các khu vực khác trên thế giới, nhận thức được các ý kiến khác nhau, để tránh việc biến xung đột này thành một sự đối đầu thực sự giữa các thể chế hay giữa các nền văn minh.
“Với tôi thì điểm nổi bật nhất, đó là khó khăn của phương Tây trong việc nắm bắt được bức tranh toàn cảnh. Hiện tại phương Tây quá chú ý đến chiến trường tại châu Âu và có xu hướng bỏ quên những gì đang diễn ra trong phần còn lại của thế giới, trong khi đây là những nhân tố có tác động rất lớn đến diễn biến tiếp theo của xung đột và đặc biệt là đến việc tái cấu trúc trật tự thế giới. Do đó, khó khăn và cũng là thách thức lớn nhất của các lãnh đạo phương Tây hiện nay, của Tổng thống Mỹ Joe Biden hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đó là phải nhìn vào tổng thể vấn đề. Phương Tây không thể tự hài lòng với tầm nhìn một phần của cuộc xung đột này”./.