Thủ tướng Pháp công bố các chính sách lớn đầu tiên của chính phủ mới
VOV.VN - Nữ Thủ tướng Pháp hiện đang phải chịu sức ép rất lớn khi không nhận được sự tín nhiệm từ phía lực lượng đối lập về khả năng có thể dẫn dắt nước Pháp vượt qua những biến động về kinh tế, xã hội do tác động từ các cuộc khủng hoảng dịch bệnh và xung đột tại Ukraine.
Tăng cường sức mua, khống chế lạm phát, thúc đẩy tự chủ năng lượng, cải thiện các vấn đề an sinh xã hội là các ưu tiên lớn được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trình bày trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội mới ngày 6/7.
Trong bài phát biểu kéo dài 1 tiếng 30 phút xen lẫn tiếng la ó từ phía các đảng đối lập, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã trình bày những định hướng chính sách lớn trong thời gian tới.
Theo đó, ưu tiên hàng đầu sẽ là cải thiện sức mua và ngăn chặn đà tăng của lạm phát. Bà Elisabeth Borne cho biết bên cạnh việc duy trì mức trần tăng giá khí đốt và điện không quá 4%, chính phủ cũng sẽ áp mức trần tăng giá thuê nhà, cam kết không tăng thuế, đồng thời cải thiện tiền lương và hưu trí cũng như bỏ khoản phí thuê bao truyền hình nhà nước.
Ưu tiên thứ hai của chính phủ là cải cách chế độ hưu trí với mục tiêu tăng mức lương hưu tối thiểu lên 1.100 euro/tháng và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ mức 7,3% hiện nay xuống ngưỡng lý tưởng 5,5% để tạo ra các nguồn lực mới cho xã hội. Chính sách lớn tiếp theo được Thủ tướng Pháp đặt ra là thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi sinh thái, tăng cường đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo và điện hạt nhân. Bà Elisabeth Borne nhấn mạnh sẽ quốc hữu hoá toàn bộ Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) để đảm bảo vấn đề chủ quyền năng lượng.
Người đứng đầu chính phủ Pháp cũng liệt kê một loạt các mục tiêu an sinh xã hội như tuyển thêm 50.000 nhân viên y tá và chăm sóc sức khoẻ, tăng lương cho đội ngũ giáo viên, tăng cường giảng dạy văn hoá từ lớp 6 cũng như tuyển và thành lập mới 200 lữ đoàn hiến binh và 11 đơn vị cơ động khu vực để tăng gấp đôi sự hiện diện của lực lượng cảnh sát và tránh các vùng “trắng” an ninh.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã bác bỏ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm từ phe đối lập, đồng thời khẳng định bối cảnh nền chính trị Pháp đã thay đổi và kêu gọi các chính đảng cần nỗ lực làm việc cùng nhau: “Thông qua kết quả bầu cử, người dân Pháp đã lựa chọn một quốc hội mà không đảng nào chiếm đa số tuyệt đối. Người dân muốn chúng ta thay đổi cách thức làm việc. Chúng ta sẽ cần tăng cường đối thoại để tích cực tìm kiếm các thoả hiệp. Với trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ phải cùng nhau đáp ứng yêu cầu này”.
Phản ứng về những định hướng chính sách chung của Thủ tướng Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) lớn thứ 2 tại quốc hội, bà Marine Le Pen cho rằng chính phủ hiện nay không nhận được sự tín nhiệm của nhiều nghị sĩ và việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục giao vị trí Thủ tướng cho bà Elisabeth Borne là hành động khiêu khích chính trị.
Trong khi đó, 4 đảng trong liên minh cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES) đã trình đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Elisabeth Borne. Cuộc bỏ phiếu này dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Sáu (8/7)./.