Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội
VOV.VN - Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm qua (11/7) đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội do liên minh cánh tả đối lập đề xuất. Tuy nhiên, những thách thức lớn nhất được cho là vẫn ở phía trước đối với chính phủ Pháp do không nắm đa số ghế tuyệt đối tại Quốc hội.
Với việc chỉ nhận được 146 phiếu thuận trong tổng số 577 phiếu, liên minh cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES), lực lượng đối lập lớn nhất tại Quốc hội Pháp, đã không đạt được mục tiêu là giành 289 phiếu quá bán trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do chính liên minh này đề xuất để phế truất đương kim Thủ tướng Elisabeth Borne.
Thất bại của liên minh cánh tả là điều đã được dự báo từ trước khi hai lực lượng đối lập khác là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) với 89 ghế và đảng “Những người Cộng hoà” (LR) cánh hữu với 62 ghế tuyên bố ngay từ đầu là sẽ không tham gia cuộc bỏ phiếu trên.
Đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” thậm chí cho rằng đảng “Nước Pháp bất khuất” (LFI), lực lượng nòng cốt trong liên minh cánh tả, đã quá sa đà vào những chuyện không thiết yếu, thay vào đó nên dành sự bất tín nhiệm đối với các dự luật lớn mà chính phủ sẽ đưa ra trong thời gian tới như dự luật về tăng cường sức mua, cải cách hưu trí, khí hậu… Ngay trong nội bộ liên minh cánh tả NUPES, 5 nghị sĩ thuộc đảng Xã hội cũng đã bỏ phiếu chống.
Phát biểu khi kết quả được công bố, Thủ tướng Elisabeth Borne đã chỉ trích quan điểm cực đoan của đảng “Nước pháp bất khuất”: “Hôm nay, thưa quý vị, chúng ta đã có thể nỗ lực hành động vì người dân Pháp. Nhưng thay vào đó, chúng ta lại tranh luận về một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện giống như xét xử một bản án. Hành động này đã cản trở công việc của Quốc hội cũng như đi ngược lại ý chí của người dân Pháp với một thông điệp rất rõ ràng là hãy nói lên ý kiến của mình và cùng nhau xây dựng"
Theo các nhà phân tích địa bàn, nước Pháp đã ở trong tình trạng chính trị hết sức phức tạp khi lần đầu tiên sau hơn 30 năm không đảng nào chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã làm rõ quan điểm chính trị cũng như đường lối hoạt động của từng đảng phái trong liên minh cánh tả NUPES cũng như của các đảng đối lập lớn khác trong Quốc hội như “Tập hợp quốc gia” hay “Những người Cộng hoà” trong mục tiêu chung là hạn chế quyền lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trong khi đó, dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhưng thách thức đối với Thủ tướng Elisabeth Borne và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không vì thế mà giảm đi. Do chỉ chiếm đa số tương đối tại Quốc hội, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chính phủ của bà Elisabeth Borne sẽ phải thương lượng với các đảng đối lập trong từng quyết sách trước khi đưa ra Quốc hội để thông qua.
Các cuộc thăm dò mới nhất cũng cho thấy, có đến 2/3 người Pháp được hỏi nghi ngờ về khả năng chính phủ của bà Elisabeth Borne có thể đưa nước Pháp vượt qua các khó khăn ngày càng lớn về kinh tế-xã hội hiện nay./.