Thụy Sỹ trưng cầu ý dân về quyền công dân của người nhập cư
VOV.VN - Thụy Sỹ ngày 12/2 trưng cầu ý dân về việc cho phép thế hệ thứ 3 của những người nhập cư đang sinh sống tại Thụy Sỹ trở thành công dân chính thức.
Theo quy định hiện hành về quyền công dân của Thụy Sỹ, những người nhập cư sinh ra tại Thụy Sỹ không có nghĩa là sẽ được đảm bảo quyền công dân và những người không phải công dân Thụy Sỹ sẽ cần phải đợi ít nhất 12 năm trước khi được nộp đơn cấp quyền công dân.
Người dân Thụy Sỹ vẫn chia rẽ về việc có cấp quyền công dân cho con cháu đời thứ 3 của những người nhập cư hiện sinh sống ở nươc này hay không. Ảnh: DPA
Theo đề xuất mới về việc nới lỏng quy định pháp luật về quyền công dân vốn được Chính phủ và không ít nhà chính trị tại Thụy Sỹ ủng hộ, thế hệ thứ 3 của người nhập cư, tức thế hệ cháu của người nhập cư, được quyền bỏ qua một vài bước trong tiến trình xin thủ tục thị thực Thụy Sỹ.
Quy định mới này được cho là sẽ ảnh hưởng đến những người sinh ra tại Thụy Sỹ song có bố mẹ hoặc ông bà là người nhập cư và đã sống thường trú tại nước này. Theo ước tính có khoảng 25% dân số Thụy Sỹ hiện nay, tương đương gần 25.000 người trong tám triệu dân Thụy Sỹ là người có nguồn gốc nhập cư.
Những người ủng hộ đề xuất thay đổi quy định luật thì cho rằng, thật là nực cười khi yêu cầu những người sinh ra tại Thụy Sỹ, đã và đang sống cả đời tại Thụy Sỹ phải chứng minh là người Thụy Sỹ.
Tuy nhiên, những người phản đối thì lại cho rằng, đề xuất sửa đổi luật có thể dẫn đến những bước đi cho phép những người không phải công dân Thụy Sỹ có thể dễ dàng có được quyền công dân.
Đứng đầu những người phản đối đề xuất phải kể đến Đảng của Người dân Thụy Sỹ Dân tộc cực hữu ((SVP). Theo quan điểm của đảng này, việc nới lỏng quy định luật sẽ mang lại cơ hội cho nhiều người Hồi giáo trở thành công dân Thụy Sỹ và khiến các giá trị của Thụy Sỹ bị mai một.
Phe phản đối, thậm chí còn đăng những tấm áp phích trên nhiều đường phố của Thụy Sỹ những ngày này, có hình một phụ nữ đạo Hồi đeo mạng cùng khẩu hiệu kêu gọi cử tri bác bỏ “quyền công dân không kiểm soát”.
Trong vòng 30 năm qua, đã có ít nhất 3 đề xuất về việc nới lỏng quy định quyền công dân của Thụy Sỹ được đưa ra trưng cầu ý dân song đều đã bị bác bỏ. Các cuộc điều tra dư luận tại Thụy Sỹ gần đây cho thấy kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này cũng không phải là ngoại lệ.
Người dân tại những thành phố lớn ở Thụy Sỹ đa phần đều ủng hộ đề xuất sửa đổi luật song tại các khu vực nông thôn còn mang nặng tính bảo thủ, đa phần người dân đều phản đối sửa đổi luật.
Vào năm 2009, Đảng của Người dân Thụy Sỹ Dân tộc cực hữu đã từng thuyết phục thành công cử tri Thụy Sỹ phê chuẩn lệnh cấm xây dựng một đền thờ mới tại Thụy Sỹ./.