Tiến trình hòa bình Minsk cho Ukraine đứng trước nguy cơ chết yểu
VOV.VN - Xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine ngày 4/6 tiếp tục leo thang với rất nhiều vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn.
Ukraine đang chứng kiến làn sóng bạo lực leo thang trở lại mạnh nhất kể từ sau lệnh ngừng bắn Minsk đạt được hồi tháng 2 vừa qua, vốn được xem là văn kiện quan trọng nhất mở đường cho một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại nước này. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, những bên bảo trợ cho tiến trình hòa bình này cũng đang đối mặt với những nguy cơ.
Một người lính Ukraine tại miền Đông (ảnh: AFP) |
Xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine ngày 4/6 tiếp tục leo thang với rất nhiều vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn. Con số thương vong sau giao tranh tại ngôi làng Mariinka đã lên tới hàng chục người từ cả hai phía, cao nhất kể từ tháng 2.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhà trung gian và giám sát chính trong cuộc xung đột tại Ukraine ngày 4/6 đã ngay lập tức ra thông cáo kêu gọi tất cả các bên xung đột phải chấm dứt bạo lực, tuân thủ thỏa thuận Minsk và trở lại bàn đàm phán.
Làn sóng bạo lực mới này một lần nữa khiến người ta đặt câu hỏi: liệu còn có thể nói: nhìn chung lệnh ngừng bắn vẫn còn được tôn trọng, dù vẫn xảy ra các vụ va chạm lẻ tẻ nữa hay không? Hay đã đến lúc phải thừa nhận, lệnh ngừng bắn đã thất bại?
Kể từ khi đạt được hồi tháng 2 vừa qua, tại miền Đông Ukraine không một ngày nào là không tiếng súng và cả bên chính phủ lẫn phe đối lập tại Ukraine hàng ngày vẫn phải chịu những tổn thất về người. Lệnh ngừng bắn đạt được chỉ giúp làm giảm cường độ các cuộc giao tranh và khoanh vùng xung đột tại một số điểm nóng ở Donetsk và Lugansk.
Tuy nhiên, trận chiến tại Mariinka lại đánh dấu một sự leo tháng mới. Nhất là khi lần đầu tiên kể từ tháng 2, đây không còn đơn giản là các vụ đọ pháo, mà các bên đã chính thức một trận đánh lớn nhằm giành thêm các vùng lãnh thổ mới. Chính phủ Ukraine ngày 4/6 cũng chính thức triển khai trở lại đại pháo vốn đã được rút khỏi khu vực giới tuyến theo thỏa thuận hòa bình Minsk, đồng thời tăng quân số quân đội cũng như chi phí cho quốc phòng để đối phó với "nguy cơ chiến sự quy mô lớn" tại miền Đông.
Theo một số nhà phân tích, các sự kiện vừa qua tại Ukraine đều đã được dự báo trước. Bởi thông thường, trước mỗi hội nghị lớn, mà cụ thể ở đây là hội nghị cấp cao nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu G7 dự kiến diễn ra cuối tuần này tại thủ đô Berlin, Đức, các bên xung đột đều cố gắng phô diễn sức mạnh của mình.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, trên thực tế, các thỏa thuận đạt được tại Minsk thường xuyên bị vi phạm và các bên liên quan dường như đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm khôi phục đối thoại trực tiếp với lực lượng đối lập tại miền Đông.
Trong lúc này, các nước phương Tây lại tỏ ra khá thận trọng và mới chỉ dừng lại ở những phát biểu bày tỏ lo ngại. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, hiện còn quá sớm đã đưa ra kết luận về những sự kiện vừa qua tại Ukraine. Còn Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì hối thúc các bên nỗ lực để tình hình không vượt tầm kiểm soát.
“Tình hình tại Ukraine là đáng lo ngại và việc làm khẩn cấp hiện nay là nhanh chóng kiểm soát tình hình. Chúng ta phải ngăn chặn xung đột leo thang và đảm bảo rằng toàn bộ tiến trình đạt được tại Minsk không bị pháo hỏng. Đó là lý do tại sao chúng tôi hy vọng tất cả các bên quay lại tôn trọng thỏa thuận hòa bình này”, Ngoại trưởng Đức cho biết.
Các nước phương Tây vẫn tin tưởng rằng, tiến trình chính trị hiện nay dù khó khăn song vẫn có thể được tiếp tục. Nhóm tiếp xúc được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình Minsk vẫn đang tiến hành các cuộc tham vấn.
Tuy nhiên, cuộc họp mới đây nhất giữa nhóm tiếp xúc (gồm đại diện chính phủ Ukraine, Nga và Tổ chức Anh ninh và hợp tác châu Âu) dự kiến diễn ra hồi dầu tuần này tại Minsk đã không thể diễn ra, không chỉ là do xung đột leo thang tại miền Đông Ukraine, mà còn do bất đồng giữa Nga và Phương Tây, những bên bảo trợ cho tiến trình hòa bình này.
Do những xung đột về lập trường và lợi ích liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga và phương Tây luôn ở thế đối chọi trong các cuộc đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhất, cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Và chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các bên xung đột tại Ukraine tới nay vẫn không chịu nhượng bộ để đi tới một giải pháp vì lợi ích của toàn thể người dân.
Trước tình hình đáng lo ngại này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) dự kiến sẽ nhóm họp trong ngày 5/6 để bàn thảo giải pháp cho căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine. Đây sẽ là dịp để các bên liên quan thống nhất lại lập trường, cũng như tìm kiếm cơ hội để hợp tác thay vì đối đầu./.