Tiêu hủy vũ khí hoá học không làm chính quyền Syria suy yếu
VOV.VN - Điều này là do lực lượng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn chiếm ưu thế so với phe đối lập vốn đang chia rẽ sâu sắc.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 6/10, tổng thống Syria al-Assad khẳng định Syria tuân thủ thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học, nhưng cảnh báo, phe đối lập có thể ngăn cản công việc cuả các thanh sát viên.
“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc khi họ đến thị sát các địa điểm sản xuất và lưu giữ vũ khí hóa học vào tháng 11 tới”, ông al-Assad cam kết.
Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh: "Hiện nay, trở ngại duy nhất đối với các thanh sát viên là tình hình an ninh tại một số vùng khiến các thanh sát viên khó có thể tiếp cận. Chúng tôi biết, những tay súng khủng bố tại những khu vực đó nhận lệnh từ một số nước và họ có thể bị xúi giục ngăn chặn chuyến làm việc của các thanh sát viên và sau đó họ đỗ lỗi cho chính phủ Syria”.
Tổng thống Syria Al-Assad tuyên bố sẵn sàng cho hội nghị Geneva 2. Ông nhấn mạnh chính phủ Syria không đặt ra bất cứ điều kiện nào, ngoại trừ việc không chấp nhận thương lượng với các phần tử khủng bố thuộc phe đối lập, bởi một lực lượng chính trị dù có quan điểm đối lập, về bản chất sẽ không bao giờ mang vũ khí chống lại chính quyền.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, phe đối lập Syria vẫn nhất quyết đòi hỏi một chính phủ chuyển tiếp mà không có tổng thống Al-Assad. Trước hai quan điểm khác biệt này, đặc phái viên quốc tế Lakhdar Brahimi cho biết ông không dám chắc hội nghị hòa bình có thể diễn ra vào giữa tháng 11 như kế hoạch hay không.
Các quan chức Liên Hợp Quốc cảnh báo, sự thù địch giáo phái ở Syria ngày một lớn và sẽ có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn nếu Hội nghị Geneva 2 thất bại.
Giới quan sát cho rằng, ngay cả khi kho vũ khí hóa học của Syria được chuyển giao đúng thời hạn, thỏa thuận này không phải là cầu nối cho các quan điểm hòa giải giữa chính quyền Syria và phe đối lập. Chính phủ Syria cũng khẳng định tiến trình hòa bình chỉ có kết quả nếu nó đi kèm với một hiệp định phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho phe đối lập./.