Tình hình an ninh Đông Bắc Á “nóng lên” sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
VOV.VN - Hôm qua (23/12), Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi bờ biển phía Đông. Vụ phóng diễn ra ngay sau khi Mỹ cáo buộc nước này bán vũ khí cho công ty Nga khiến cho cộng đồng quốc tế lo ngại. Hiện Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đưa ra phản ứng trước động thái mới của Triều Tiên.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) (23/12) thông báo về việc Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông từ khu vực Sunan thuộc thủ đô Bình Nhưỡng. Quân đội Hàn Quốc đã được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ để tăng cường giám sát và nâng cao cảnh giác.
Phía Nhật Bản cũng xác nhận thông tin trên, đồng thời khẳng định đây là động thái nằm trong chuỗi hoạt động gây khiêu khích của Triều Tiên.
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshiro Ino nói: “Một loạt hành động khiêu khích leo thang nhanh chóng của Triều Tiên đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản, của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Hành động này vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới Triều Tiên thông qua Đại sứ quán của Nhật Bản ở Bắc Kinh”.
Hiện Triều Tiên chưa đưa ra tuyên bố mới nào liên quan thông tin vụ phóng. Vụ phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên chuyển rocket và tên lửa cho công ty an ninh tư nhân Wagner của Nga. Truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin Triều Tiên trong tháng 11 đã gửi vũ khí, bao gồm đạn pháo, cho Nga bằng đường tàu hỏa. Bộ Ngoại giao Triều Tiên bác bỏ các cáo buộc liên quan đến mọi giao dịch vũ khí với phía Nga.
Trong thông cáo được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lại ngày hôm qua, Triều Tiên gọi thông tin bán vũ khí cho Nga là “câu chuyện bịa đặt bởi các thế lực với nhiều động cơ khác nhau”.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng khiến tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á “nóng lên” sau thời gian dài luôn ở trong trạng thái “căng như dây đàn” với các màn thị uy sức mạnh của các bên. Trong năm nay, Triều Tiên đã phóng khoảng 70 quả tên lửa đạn đạo, trong đó có một số vụ thử tên lửa được đánh giá là “chưa từng có”, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Triều Tiên cũng nhiều lần tuyên bố những biện pháp cấm vận bổ sung sẽ không ngăn cản được chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng và chương trình này liên quan trực tiếp đến an ninh của nước này.
Các chuyên gia quân sự nhận định, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên sẽ rất khó có chuyển biển theo chiều hướng tốt nếu các bên vẫn giữ cách tiếp cận “cứng rắn” như hiện nay. Thiếu các biện pháp “cải thiện lòng tin”, thừa thãi các động thái gia tăng căng thẳng, cơ hội phá vỡ vòng luẩn quẩn và bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên trở nên khó khăn hơn bao giờ hết./.