Tình tiết vụ đột kích của đặc nhiệm Mỹ giải cứu 70 con tin khỏi tay IS
VOV.VN - Vụ đột kích của đặc nhiệm Mỹ vào nhà tù giải cứu 70 con tin sắp bị IS hành quyết, là hoàn toàn bất ngờ và không hề có trong bất cứ kế hoạch nào.
CNN dẫn tin từ Lầu Năm góc Mỹ cho hay, với sự hỗ trợ của đặc nhiệm Mỹ, lực lượng người Kurd tại Iraq đã giải cứu thành công khoảng 70 con tin bị nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giam cầm. Chúng đã ra thông báo sẽ hành quyết những con tin này.
Sở dĩ đặc nhiệm Mỹ phải khẩn trương thực hiện chiến dịch này sau khi nhận được thông tin “IS tử hình hàng loạt các con tin này trong thời gian sớm nhất”. Đại tá Steve Warren, người phát ngôn của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Iraq thông báo rằng một số tù nhân vừa được giải cứu đã nói với họ, phiến quân IS dự định hành quyết họ sau khi cầu nguyện vào buổi sáng.
Đặc nhiệm Mỹ đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài. (ảnh: Business Insider) |
New York Times kể lại một số tình tiết của vụ đột kích vào một căn nhà (được cho là nhà tù nơi giam giữ các con tin là binh lính) ở vùng Hawija, Iraq. Trong vụ đột kích, 2 bên đã nổ súng nhiều giờ đồng hồ.
Các chiến binh người Kurd không kiểm soát được tình hình, bị hỏa lực mạnh của IS khống chế, 6 người bị thương nặng nên họ đã đưa ra yêu cầu với một đơn vị đặc nhiệm Mỹ gần đó.
“Hàng chục” đặc nhiệm - một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết như vậy nhưng không có nói rõ con số chính xác, đã nhanh chóng triển khai thực thi nhiệm vụ.
Họ nhanh chóng hỗ trợ lực lượng người Kurd chiến đấu. Không may một đặc nhiệm trúng đạn. Đồng đội đã đưa người này lên trực thăng tới Kurdistan khu vực của Erbil, nhưng người này đã qua đời.
Ngoài lực lượng đăc nhiệm, ngay sau khi có thông tin , máy bay F-15 của Mỹ cũng được điều đến và ném bom san phẳng nhà tù.
Trả lời báo chí sau khi có thông tin về vụ đột kích của đặc nhiệm Mỹ tại Iraq, phát ngôn viên Lầu Năm góc Peter Cook nói rằng đặc nhiệm Mỹ phải “vào cuộc” theo yêu cầu của lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq.
Reuters cho rằng đây là một sự thay đổi về mặt chiến thuật của Mỹ trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại Iraq, lực lượng đang là thách thức an ninh lớn nhất với Iraq kể từ sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ năm 2003.
Các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng. (ảnh: Business Insider) |
Ông Peter Cook nói rằng: “Tôi cho rằng kể từ sau vụ đột kích này, những vụ kiểu như vậy sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Đó là nỗ lực của chúng tôi trong việc hỗ trợ đối tác”.
Trong số gần 70 con tin được giải cứu có 20 người là thành viên trong lực lượng an ninh Iraq. Không ai trong số các tù nhân được giải phóng là người Kurd, theo tuyên bố của lực lượng người Kurd tham gia vào nhiệm vụ lần này.
Theo Lầu Năm góc, lực lượng đặc nhiệm Mỹ cung thu hồi nhiều thông tin tình báo có giá trị về những nhân vật bị giam giữ trong nhà tù Hawija, một thành trì Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Kirkuk.
Việc Lầu Năm góc chưa công bố danh tính các con tin cũng như đặc nhiệm Mỹ đầu tiên thiệt mạng trong vụ đột kích đêm 22/10 khiến công chúng đang đặt dấu hỏi về mục đích của hành động quân sự lần này, sau khi Mỹ rút quân và Tổng thống Obama tuyên bố những người ở lại Iraq chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ chứ không tham chiến./.