Tổng quan phiên tòa xét xử vụ ông Bạc Hy Lai
VOV.VN -Phán quyết cuối cùng với ông Bạc Hy Lai sẽ được đưa ra vào một thời điểm chưa được ấn định cụ thể.
Ngày 26/8, phiên xét xử bị cáo Bạc Hy Lai đã kết thúc sau 5 ngày xét xử. Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, tuyên bố sẽ đưa ra bản án vào một ngày khác.
Ngày 22/8, phiên tòa xét xử cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bắt đầu ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Phiên tòa diễn ra trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt khi có rất đông người dân và các phóng viên báo chí tụ tập trước cửa tòa án để theo dõi thông tin.
Ông Bạc Hy Lai tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Tế nam ngày 22/8 (Ảnh: AP) |
Phiên xét xử được bắt đầu vào lúc 8h30 sáng (giờ địa phương), có 110 người, trong đó có 5 người thân của bị cáo Bạc Hy Lai và 19 phóng viên được phép tham dự. Điều đặc biệt, thông tin diễn biến về phiên tòa được đăng tải cập nhật trên trang blog của Tòa án thành phố Tế Nam.
Trong ngày xét xử đầu tiên, ông Bạc Hy Lai đã bác bỏ cáo buộc 3 lần nhận hối lộ với số tiền 1,1 triệu Nhân dân tệ từ Đường Tiêu Lâm, Tổng Giám đốc công ty xuất khẩu phát triển quốc tế Hong Kong, đồng thời cho rằng việc ông thừa nhận với Uỷ ban kỷ luật Trung ương trước đó là đi ngược lại lòng mình và trong tình trạng đầu óc trống rỗng. Ông Bạc cũng bác bỏ hoàn toàn lời làm chứng của vợ ông là Cốc Khai Lai đối với cáo buộc này.
An ninh được tăng cường bên ngoài Tòa án nơi ông Bạc Hy Lai bị xét xử (Ảnh: Getty Images) |
Các phóng viên được tham gia tác nghiệp tại phiên tòa bị kiểm tra rất kỹ (Ảnh: AP) |
Ngày 23/8, ngày thứ hai phiên tòa xét xử cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai tập trung làm sáng tỏ khoản tiền hối lộ của doanh nhân Từ Minh và vai trò của ông Bạc trong việc che đậy vụ giết doanh nhân người Anh Neil Heywood.
Trong buổi xét xử này, các công tố viên tập trung làm rõ mối liên hệ giữa ông Bạc với khoản tiền hối lộ của doanh nhân Từ Minh lên tới trên 3 triệu USD. Ông Bạc phủ nhận việc này và cho rằng, mọi lời khai này đều là 'gián tiếp' nhưng trong đoạn băng ghi hình lời khai của bà Cốc Khai Lai được công bố tại tòa, bà Cốc nói rằng toàn bộ số tiền trên ông Bạc đều biết rõ.
Còn về việc doanh nhân người Anh Neil Heywood bị ám sát, bà Cốc Khai Lai cho biết, ông Bạc không hề quen doanh nhân này, nhưng có biết việc bà coi đây là mối đe dọa tới con trai mình là Bạc Qua Qua. Theo lời khai của bà Cốc, bà giết Heywood vì người này đe dọa Bạc Qua Qua sau khi có tranh cãi về làm ăn với bà.
Ông Bạc đã phủ nhận hầu hết các cáo buộc (Ảnh: AP) |
Ngày 24/8, theo biên bản do Tòa án trung cấp nhân dân thành phố Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông cung cấp, chính trị gia bị "thất sủng" của Trung Quốc Bạc Hy Lai đã nhận "một số trách nhiệm" đối với khoản tiền 5 triệu Nhân dân tệ (800.000 USD) mà ông bị tố biển thủ và sau đó được tìm thấy trong các tài khoản của vợ ông là bà Cốc Khai Lai.
Trong ngày xét xử thứ ba này, ông Bạc thừa nhận: "Tôi thấy mình nên nhận một số trách nhiệm đối với khoản tiền tìm thấy trong tài khoản của Cốc Khai Lai. Tôi tự thấy xấu hổ. Tôi đã quá bất cẩn, bởi vì đó là tiền của nhà nước".
Ông Bạc Hy Lai thú nhận việc ông có quan hệ ngoài hôn nhân đã khiến vợ rất tức giận và đem con trai họ là Bạc Qua Qua sang Anh sống. Ông Bạc cho hay, do quan hệ vợ chồng như vậy nên ông không biết rõ các giao dịch tài chính của bà Cốc Khai Lai.
Ông Bạc cho rằng có thể vợ ông đã gặp khó khăn về tài chính nên bà đã chấp nhận sự giúp đỡ của tỷ phú trẻ Từ Minh, người được cho là đã cấp cho gia đình Bạc ít nhất 3,5 triệu USD dưới hình thức một biệt thự ở Pháp, vé máy bay cùng các quà tặng.
Ông Bạc chỉ nhận một số trách nhiệm "vì bất cẩn với tiền của nhà nước" (Ảnh: Reuters) |
Trong ngày xét xử thứ tư hôm 25/8, cựu ông Bạc Hy Lai phải đối mặt với cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, người buộc tội Cốc Khai Lai giết Neil Heywood và khiến Bạc Hy Lai sa cơ. Ông này đã bị kết tội 15 năm tù vì lạm dụng quyền lực, đào ngũ và nhận hối lộ.
Theo lời khai của ông Vương, ông này đã nói cho ông Bạc biết về việc bà Cốc chính là nghi phạm giết Heywood và đã bị ông Bạc ‘đấm thẳng vào tai trái’ khiến chảy máu. Sau đó, ông Bạc chính là người đã bãi chức ông Vương khỏi vị trí giám đốc công an Trùng Khánh. Bản thân ông Bạc sau đó cũng không báo cáo lại với cấp trên về vụ việc bà Cốc sát hại doanh nhân Neil Heywood.
Tại phiên tòa, ông Bạc Hy Lai nói rằng, cảm thấy có ‘trách nhiệm nhất định về việc Vương chạy trốn và thấy rất lấy làm tiếc về việc này’; nhưng ông bác bỏ cáo buộc rằng ông lách luật để bảo vệ bà Cốc, và cũng không buộc Vương phải chạy sang Mỹ.
Ông Bạc còn gọi Vương là "một kẻ hèn hạ" khi giả mạo chứng cứ nhằm buộc tội mình che giấu tội giết người của bà vợ Cốc Khai Lai, đồng thời bác bỏ mọi chứng cứ trước đó mà Vương đưa ra.
Phán quyết cuối cùng với ông Bạc sẽ được đưa ra vào 1 thời điểm chưa được xác định (Ảnh: AP) |
Ngày 26/8, Phiên tòa kết thúc với thông báo rằng bản án sẽ được công bố vào một ngày gần đây, có thể là trong vài tuần tới.
Trong phần phát biểu cuối cùng trước khi kết thúc phiên tòa, bên công tố đã đề nghị xử lý nặng ông Bạc Hy Lai do thái độ nhận tội kém. Các công tố viên cho biết, ông Bạc Hy Lai không chỉ phủ nhận mọi hành vi phạm tội của mình, mà còn phủ nhận đối với những tài liệu và lời làm chứng do chính tay mình viết ra.
Trong khi đó ông Bạc Hy Lai bác lại rằng, việc ông được nói đúng sự thật là quyền lợi, bên công tố không nên coi đó là hành vi xấu xa và cho đó là phản cung.
Theo kế hoạch, phiên tòa chỉ kéo dài hai ngày, nhưng do tính chất phức tạp nên phiên tòa đã phải kéo dài tới 5 ngày. Phán quyết cuối cùng với ông Bạc Hy Lai sẽ được đưa ra vào một thời điểm chưa được ấn định cụ thể.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Bạc Hy Lai đã khép lại, theo giới quan sát, điều đáng chú ý là Trung Quốc đã cho phép ông Bạc tự bảo vệ mình trước tòa và thông tin trực tiếp toàn bộ quá trình xét xử thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Truyền thông Trung Quốc đã hết lời ca ngợi đây là một bước ngoặt về tính minh bạch khi người dân và báo giới trong, ngoài nước có thể theo dõi sát sao phiên tòa./.
Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai đã dừng lại khi ngày 10/4/2012, ông bị đình chỉ chức vụ trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vướng vào vòng kiện tụng và số phận khó đoán định.