Tổng thống Biden không lo ngại khả năng xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2/11 cho biết, ông không lo ngại khả năng xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc, đồng thời sẽ nói rõ với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng đây là “cạnh tranh” chứ không phải “xung đột”.
“Tôi có lo lắng về một cuộc xung đột vũ trang hay điều gì đó vô tình xảy ra với Trung Quốc hay không? Không, tôi không lo lắng về điều đó”, ông Biden nói với CNN, sau khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh COP26.
Tổng thống Biden nói rằng, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sắp tới, ông sẽ nói rõ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng: “Đây là sự cạnh tranh, chứ không phải xung đột”.
“Không có lý do gì để xảy ra xung đột. Tôi đã nói rõ với ông Tập Cận Bình, vì vậy tôi không miễn cưỡng nói điều gì đó công khai rằng chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ hành xử đúng mực”, ông Biden nhấn mạnh và nói thêm rằng Mỹ sẽ không thay đổi lập trường về một số vấn đề, bao gồm cả các vùng biển quốc tế.
Khi được hỏi về việc lãnh đạo các nước như Trung Quốc, Nga và Arabia Saudi không tham gia trực tiếp Hội nghị thượng đỉnh COP26, ông Biden nói rằng đó là một “vấn đề” nhưng Mỹ vẫn đang hành động để có “tác động sâu sắc đến các phần còn lại của thế giới nhìn nhận về đất nước và vai trò lãnh đạo của Washington”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo đồng cấp mà Tổng thống Biden hy vọng có thể tham gia các hội nghị thượng đỉnh để ngăn các mối quan hệ vốn đã căng thẳng trở nên xấu đi, đã không dự các hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong tuần này.
Lý do ông Tập Cận Bình và ông Putin vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh là do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Số ca mắc bệnh tại Nga đang tăng đột biến và ông Tập Cận Bình đã không rời Trung Quốc kể từ khi virus SARS-CoV-2 lây lan trên khắp thế giới.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, sự vắng mặt của ông Putin và ông Tập Cận Bình tại các hội nghị thượng đỉnh không làm mất đi cơ hội cho Mỹ. Thay vào đó, họ cho rằng “khoảng trống” này sẽ cho phép Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu thiết lập chương trình nghị sự và thúc đẩy thảo luận về các chủ đề quan trọng như khí hậu và chống lại đại dịch toàn cầu./.