Tổng thống Iran thăm châu Âu, tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân
VOV.VN - Ngoài các cam kết bằng lời nói muốn cứu thỏa thuận hạt nhân Iran, châu Âu dường như chưa sẵn sàng đối đầu với Mỹ vì vấn đề này.
Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Thụy Sĩ, ngày 4/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Áo – quốc gia đang tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Vượt lên trên cả mối quan hệ song phương với 2 quốc gia này, chuyến thăm châu Âu của nhà lãnh đạo Iran được đánh giá là một bước đi “thiết thực” nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với 6 cường quốc nhóm P5+1.
Tổng thống Iran Rouhani (trái) và người đồng cấp Thụy Sĩ Alain Berset. (Ảnh: AP) |
Chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Áo được thực hiện theo lời mời chính thức của người đồng cấp nước chủ nhà Alexander Van der Bellen. Theo kế hoạch, ông Rouhani sẽ có các cuộc hội đàm với Tổng thống Van der Bellen và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz.
Được đánh giá là giống với chuyến thăm tới Thụy Sĩ trong hai ngày 2-3/7, Tổng thống Iran sẽ mang tới Áo 2 mục tiêu chính, đó là thúc đẩy mối quan hệ song phương với Áo trong bối cảnh Mỹ đang muốn cố gắng áp đặt các trừng phạt mới đối với Tehran và tái khẳng định lại quan điểm của nước này đối với thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm P5+1.
Thông qua Áo, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, Tổng thống Iran muốn gửi đi một thông điệp tới Anh, Pháp và Đức – các quốc gia thành viên của khối đã tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015, là cần nhanh chóng đưa ra các cam kết bằng “hành động cụ thể” nhằm cứu vãn thoả thuận hạt nhân, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này, có thể là vào ngày 6/8 tới.
Thực tế đang cho thấy, ngoài các cam kết bằng lời nói muốn níu giữ Iran ở lại thỏa thuận hạt nhân, châu Âu hiện chưa đưa ra cam kết hành động nào và dường như chưa sẵn sàng trả mọi giá để đối đầu về kinh tế với Mỹ. Thậm chí, nhiều quan chức châu Âu, như Bộ trưởng Kinh tế Pháp, còn công khai tuyên bố là các doanh nghiệp Pháp sẽ khó có thể trụ được lại ở Iran.
Hiện Iran muốn các nước và các tập đoàn châu Âu phải cam kết rõ ràng là có tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran hay không, thậm chí là có nâng mức độ hợp tác và trợ giúp Iran lên hay không, nhằm bù đắp cho các thiệt hại kinh tế mà Iran sẽ phải gánh chịu khi bị Mỹ trừng phạt.
Từng là nơi diễn ra lễ ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, thủ đô Vienna, Áo cũng đã được chọn lựa là nơi Ngoại trưởng Iran và các nước nhóm P5+1 (trừ Mỹ) nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 6/7 tới kể từ khi Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận này. Cuộc họp tiếp tục là cơ hội để Iran tìm kiếm “một câu trả lời hành động” từ các đối tác của nước này.
Trước khi tới Áo, trong cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Sĩ Alain Berset, Tổng thống Iran Rouhani tái khẳng định lập trường của nước này, là sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân, chừng nào lợi ích quốc gia của Iran được đảm bảo.
“Sẽ là không hợp lý khi tưởng tượng rằng một ngày nào đó tất cả các nước xuất khẩu dầu có thể bán nguồn dầu của mình mà Iran lại không thể” – ông nói. “Một viễn cảnh như vậy có nghĩa là Mỹ đang áp đặt một chính sách đơn phương, vượt ra ngoài khuôn khổ lãnh thổ của mình và vi phạm các nguyên tắc và luật quốc tế. Như đã nói trước đây, miễn là lợi ích của chúng tôi được duy trì liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, miễn là chúng tôi có thể gặt hái được những lợi ích mà thỏa thuận hạt nhân mang lại, chúng tôi sẽ vẫn ở lại thỏa thuận này”.
Tổng thống Iran cũng cảnh báo nguồn cung dầu trong khu vực có thể bị tổn hại nếu Mỹ tìm cách gây sức ép đối với các đồng minh của mình để ngăn chặn các nước mua dầu thô từ Iran. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, Mỹ đã đe dọa không cho Iran tiếp tục xuất khẩu dầu thô, tuyên bố này của Mỹ “không có nghĩa lý gì” đối với dầu thô của Iran không xuất khẩu được, song những chuyến hàng xuất khẩu dầu từ khu vực của các quốc gia láng giềng sẽ bị ảnh hưởng./. Dù Israel tố cáo Iran, Châu Âu vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran
Trung Quốc sẽ cứu Iran trước chiến dịch trừng phạt của Mỹ?