Tổng thống Mỹ ký 23 sắc lệnh về kiểm soát súng
(VOV) - Tổng thống Obama đã ký ban hành gói sắc lệnh mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.
Sau rất nhiều chờ đợi, ngày 16/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành 23 sắc lệnh nhằm hạn chế tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn.
Tổng thống ký sắc lệnh trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Joe Biden và đại diện gia đình của 20 gia đình học sinh thiệt mạng trong vụ thảm sát tại thị trấn Newtown.(ảmh: Reuters) |
Nhân dịp này, Tổng thống Obama đề nghị Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công, và nhấn mạnh nước Mỹ không thể tiếp tục lần lữa với các biện pháp kiểm soát súng.
Hành động đúng đắn và được phần đông người dân Mỹ ủng hộ của Tổng thống Obama lại vấp phải sự phản đối ngay lập tức của “nhóm vận động hành lang” đòi tôn trọng quyền sở hữu súng của cá nhân.
Trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Joe Biden và đại diện gia đình của 20 gia đình học sinh thiệt mạng trong vụ thảm sát tại thị trấn Newtown, bang Connecticut tháng trước, Tổng thống Obama đã ký ban hành gói sắc lệnh mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Gói biện pháp này nhằm tăng cường kiểm tra lai lịch của các đối tượng mua súng và mở rộng các chương trình đảm bảo an toàn học đường.
Phát biểu tại buổi họp báo sau lễ ký, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Một tháng sau khi 20 trẻ em yêu quí và 6 người lớn dũng cảm vĩnh viễn rời xa chúng ta tại Trường Tiểu học Sandy Hook, hơn 900 công dân Mỹ đã mất mạng vì súng đạn, 900 người thiệt mạng trong tháng qua. Mỗi ngày trôi qua, số người Mỹ thiệt mạng vì bạo lực liên quan đến súng đạn tiếp tục tăng lên. Tôi đưa ra một loạt đề xuất cụ thể này dựa trên kết quả đánh giá của ủy ban đặc trách do Phó Tổng thống Joe Biden đứng đầu. Trong những ngày tới, tôi sẽ sử dụng tất cả quyền hạn của tổng thống để các đề xuất này được thực thi”.
Những biện pháp mà Tổng thống Obama ký ban hành còn bao gồm đóng cửa một số địa điểm bán lẻ và trưng bày súng, cấm loại đạn bắn xuyên giáp và người sở hữu súng chỉ được sử dụng băng đạn có 10 viên trở xuống. Các cơ quan chính phủ cũng phải cung cấp các thông tin liên quan tới việc kiểm tra lý lịch người mua súng và nghiên cứu cách thức mới để ngăn những đối tượng thuộc diện "nguy hiểm" sở hữu súng. Nếu được áp dụng đầy đủ, đây sẽ là cuộc cải cách kiểm soát súng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua ở nước Mỹ.
Trước đó, ngày 15/1, chính quyền bang New York cũng đã đi đầu trong nỗ lực kiểm soát súng đạn, bằng cách thông qua một dự luật thắt chặt việc kinh doanh và sở hữu súng đạn.
Trong khi đó, một số chính trị gia và Hiệp hội súng quốc gia (NRA) đầy quyền lực của Mỹ, đã ngay lập tức tuyên bố chống lại nỗ lực của Tổng thống Obama.
Trong một tuyên bố, Thượng nghị sỹ cộng hòa Marco Rubio của bang Florida nói rằng, không có gì trong các biện pháp mà Tổng thống Obama đề xuất có thể ngăn chặn được vụ thảm sát như đã xảy ra tại Trường Tiểu học Sandy Hook. Vị chính khách này còn cho rằng Tổng thống Obama đang tìm cách cản trở các quyền của công dân Mỹ thay vì giải quyết nghiêm túc những nguyên nhân đang thực sự gây ra những hành động bạo lực như vậy.
Đại diện của Hiệp hội súng quốc gia Mỹ cũng ra tuyên bố nói rằng họ sẽ hợp tác với Quốc hội để tìm kiếm các giải pháp thực chất để bảo vệ cái mà họ gọi là “tài sản dễ bị tổn thương nhất” đó là trẻ em Mỹ. Hiệp hội này cho rằng, việc chính quyền tìm cách công kích những người sở hữu súng trong khi không quan tâm đến trẻ em thì không phải là một giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Với tình trạng này, nhiều người lo ngại chưa biết đến khi nào nước Mỹ mới có thể giải quyết được vấn nạn bạo lực do súng đạn gây ra./.