Tổng thống Mỹ: Thế giới hãy thay đổi cách nhìn về châu Phi
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng châu Phi đang chuyển mình và là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ông Barack Obama ngày 28/7 trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên minh châu Phi ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia trước khi lên đường về nước kết thúc chuyến công du một loạt nước trong khu vực. Ông đã kêu gọi thế giới “thay đổi cách nhìn về châu Phi”.
Trong bài phát biểu trước các quốc gia thành viên Liên minh châu Phi, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa khẳng định những cam kết về thúc đẩy thương mại và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, vốn là những thách thức lớn và cũng là mối quan tâm hàng đầu của thế giới nói chung và châu Phi nói riêng trong hơn 1 thập kỷ qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước đại diện các quốc gia thành viên Liên minh châu Phi ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia. (ảnh: AP) |
Điểm quan trọng mà ông Obama muốn hướng tới trong chuyến công du này là khát vọng của châu lục muốn đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Obama cho rằng châu Phi đang chuyển mình và là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mỹ sẵn sàng là đối tác thương mại của châu Phi.
Song để làm được điều này, điều quan trọng là giới lãnh đạo châu Phi phải ưu tiên thúc đẩy thị trường lao động, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ, từ đó giúp những quốc gia này tránh được tình trạng hỗ loạn và mất trật tự xã hội.
Theo Tổng thống Mỹ, nỗ lực cải thiện thị trường lao động hiện nay là chưa đủ và các quốc gia châu Phi cần cố gắng hơn nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu việc làm của một châu lục, mà dân số ước tính sẽ tăng lên khoảng 2 tỷ người trong vài thập kỷ tới.
“Các chuyên gia kinh tế sẽ nói với các bạn rằng, mọi đất nước, mọi khu vực và mọi châu lục tăng trưởng nhanh hơn với dân số trẻ, đây là một lợi thế. Song những điều này chỉ có được nếu những người trẻ được đào tạo tốt. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Trung Đông và Bắc Phi thì có thể thấy có rất nhiều thanh niên không có việc làm và điều này đã làm gia tăng tâm lý bất mãn và thậm chí là có thể làm gia tăng bất ổn”, Tổng thống Mỹ Obama cho biết.
Tổng thống Mỹ cũng một lần nữa khẳng định sự đoàn kết với châu lục trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh. Ông Obama nhấn manh, với các chương trình huấn luyện và hỗ trợ, Mỹ đang giúp đỡ tăng cường các lực lượng châu Phi. Song cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang cực đoan tại châu lục chỉ có thể thành công nếu được đi kèm với những tiến bộ về vai trò lãnh đạo.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, thế giới cần thay đổi cách nhìn về châu Phi, hãy nhìn vào những “bước tiến lịch sử” mà châu lục này đã đạt được và chấm dứt nỗi ám ảnh về một châu Phi đói nghèo và chiến tranh.
Thông điệp mà Tổng thống Mỹ Barack Obama phát đi trước cơ quan được xem là đại diện của châu Phi về cơ bản là không có gì mới khi một lần nữa nhắc lại những trục lớn trong chính sách châu Phi của mình, đó là dân chủ, nhân quyền, tôn trọng các quy định Hiến pháp, an ninh, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và đầu tư.
Đây là lần thứ 4 ông đến thăm châu Phi kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng năm 2009, nhiều hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào, nhưng lại là chuyến đi ghi dấu ấn nhất khi có nhiều cái lần đầu tiên nhất: lần đầu tiên trở về quê hương Kenya; là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới thăm quốc gia Đông Phi Ethiopia và cũng là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên minh châu Phi.
Ngay trước thềm chuyến thăm, tối 22/7, ông Obama đã ký quyết định gia hạn 10 năm Đạo luật tăng trưởng và cơ hội cho châu Phi, nơi mà ông nhận định “có tiềm năng trở thành tâm điểm tiếp theo của phát triển kinh tế toàn cầu”. Tất cả những điều này đã cho thấy, mong muốn của vị Tổng thống gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ tạo dấu ấn riêng cho quan hệ Mỹ- Phi, cũng như để lấy lại ảnh hưởng tại châu lục giàu tiềm năm nhưng lâu nay lại bị bỏ lửng.
Sau những thắng lợi ngoại giao lịch sử bình thường hóa quan hệ với Cuba hay đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, một sự cải thiện trong quan hệ Mỹ- Phi có thể sẽ là dấu ấn tiếp theo của ông Obama trong khoảng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình./.