Tổng thống Nga cảnh báo: Nhiều rủi ro vẫn còn đối với nền kinh tế
VOV.VN - Ngày 8/7, phát biểu tại cuộc họp với các thành viên chính phủ, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, nền kinh tế nước này đang đối phó tốt với sức ép từ bên ngoài. Nhưng những rủi ro từ các lệnh trừng phạt vẫn còn và không nên xem nhẹ.
Tại cuộc họp với các thành viên chính phủ về tình hình trong tổ hợp nhiên liệu và năng lượng của Nga, Tổng thống Putin lưu ý rằng, nhờ các hành động của Ngân hàng Trung ương và các biện pháp do Chính phủ thực hiện, nhiều việc đã được làm để ổn định nền kinh tế, trước các lệnh trừng phạt, liên quan chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Ông nói: "Nhiều việc đã được thực hiện. Cái gọi là bao vây kinh tế mà những kẻ không có thiện chí hình thành để chống lại Nga đã thất bại. Tuy nhiên, nó vẫn gây ra thiệt hại cho chúng ta và nhiều rủi ro vẫn còn”.
Vì vậy, Tổng thống Putin đề nghị lãnh đạo Chính phủ, những người đứng đầu các bộ, ngành cần chú ý theo dõi tình hình, phân tích và áp dụng các biện pháp kịp thời để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế.
Ông cho biết, trong bối cảnh trừng phạt chống Nga, nước này sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ sang phía Nam và phía Đông. Ngoài ra, Nội các đang nghiên cứu việc phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt để cung cấp các nguồn năng lượng cho các nước thân thiện.
Một ngày trước đó, tại cuộc gặp với lãnh đạo Duma Quốc gia và lãnh đạo các phái đảng, Tổng thống Putin lưu ý rằng, Nga có thể duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ việc làm, cũng như vận tải và hậu cần. Theo ông, các biện pháp trừng phạt chống Nga tạo ra nhiều khó khăn, nhưng không phải ở quy mô như các nước phương Tây đã hy vọng.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo rằng, trong năm 2022 và 2023, nền kinh tế của đất nước sẽ giảm - lần lượt là 7,8% và 0,7% - và chỉ từ năm 2024 mới tăng trưởng trở lại. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Nga sẽ giảm 8,9% trong năm 2022 và 2% vào năm 2023.
Còn các chuyên gia cho rằng, suy thoái kinh tế Nga do hậu quả của các lệnh trừng phạt sẽ là 6,4–11,5% GDP trong năm nay. Độ sâu của sự sụt giảm sẽ phụ thuộc vào mức độ giảm của giá dầu, sự suy yếu của đồng rúp, cũng như kim ngạch thương mại. Tuy nhiên, các chỉ số này chỉ phản ánh tác động của các cú sốc bên ngoài đối với nền kinh tế Nga. Điều này có nghĩa là chính sách tài khóa hoặc chính sách tiền tệ có thể bù đắp một phần ảnh hưởng này./.