Tổng thống Nga Putin: Nga cởi mở và sẵn sàng hợp tác với châu Âu
VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/12 tuyên bố, nước này sẵn sàng làm mới mối quan hệ hợp tác với các đối tác châu Âu trên mọi mặt.
Trong một đoạn phim tài liệu được đài RT của Nga phát sóng tối 20/12, ông Putin cho rằng, lợi ích của các nước châu Âu nằm ở việc nỗ lực đoàn kết với Nga về mặt kinh tế, chính trị và trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như cuộc chiến giải quyết những vấn đề môi trường và tội phạm có tổ chức.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh ngày 21/12, Liên minh châu Âu dự kiến hoàn tất thỏa thuận kéo dài thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, mở rộng các biện pháp đối với lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quốc phòng của Nga đến cuối tháng 7 năm sau.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (ảnh: AFP). |
Quyết định này sẽ được ấn định từ 11h (giờ GMT) ngày 21/12 trừ khi bất cứ nước thành viên Liên minh châu Âu nào thay đổi quan điểm và đưa ra văn bản phản đối.
Cũng trong đoạn phim tài liệu này, ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Ông Putin cho biết: “Chúng tôi có thể dễ dàng làm việc với cả Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cũng như phía Mỹ vì chúng tôi không thay đổi lập trường của mình. Nga lắng nghe tất cả các bên và từ đó chọn ra một giới hạn có thể chấp nhận được cho tất cả các bên”.
Tuy nhiên, trong một bình luận ám chỉ đến Mỹ, ông Putin đã phê phán những nước láng giềng vì chính sách hội nhập châu Âu – Đại Tây Dương. Ông nêu rõ, Nga không mong rằng các đối tác châu Âu từ chối mối quan hệ hợp tác châu Âu – Đại Tây Dương nhưng sẽ đúng đắn hơn khi các nước này ít nhất phải tham gia vào tiến trình đưa ra quyết sách chứ không chỉ “nhận được mệnh lệnh từ phía bên kia bờ đại dương”.
Hồi tháng 6 vừa qua, Mỹ đã thông báo sẽ đặt xe tăng, pháo binh và các thiết bị quân sự khác ở miền Đông và Trung Âu để đảm bảo các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO không phải lo âu về cái mà Mỹ gọi là sự can dự của Nga ở Ukraine.
Các nước Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania cũng như các nước Bulgari, Romania và Ba Lan đã đồng ý tiếp nhận số vũ khí thiết bị quân sự hạng nặng trên./.