Tổng thống Nga: Thỏa thuận khí hậu phải mang tính ràng buộc pháp lý
VOV.VN - Tổng thống Nga Putin cho rằng các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ, đạt một thỏa thuận pháp lý về khí hậu có tính ràng buộc.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP21) tại Paris (Pháp) Tổng thống Nga Vladimia Putin nhấn mạnh, các cuộc đàm phán tại Hội nghị COP21 cần phải đi tới một thỏa thuận cuối cùng mang tính ràng buộc về pháp lý.
Tổng thống Putin tại COP 21. Ảnh: RT. |
Tổng thống Putin cho rằng, trước hết các nhà lãnh đạo thế giới cần phải thể hiện một nỗ lực đầy tham vọng là làm thế nào để ngăn nhiệt độ Trái đất không tăng thêm quá 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 và đi kèm với đó là những cam kết mạnh mẽ của mỗi quốc gia.
Theo ông Putin, không chỉ mang tính ràng buộc mà Hiệp định mới về khí hậu còn phải đảm bảo tính toàn diện, hiệu quả và công bằng cho các nước phát triển và đang phát triển tham gia Công ước khung về khí hậu..
Tổng thống Putin cảnh báo, nếu Hội nghị lần này không đạt được sự nhất trí về các biện pháp mạnh nhằm kiềm chế sự nóng lên của Trái đất thì loài người không chỉ hứng chịu những thảm họa về môi trường mà còn gây ra những thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế.
Chính vì thế, thỏa thuận ràng buộc về pháp lý về khí hậu còn mang tính quyết định đến sự tăng trưởng trong tương lai.
Tổng thống Putin nói: “Biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Bão lũ, hạn hán và các sự cố bất thường chính là hệ lụy của sự nóng lên toàn cầu. Không chỉ phá hủy môi trường sống, biến đối khí hậu còn tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, việc chúng ta giải quyết vấn đề khí hậu như thế nào sẽ quyết định đến chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người trên hành tinh này cũng như tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững trên toàn thế giới trong tương lai”.
Trong 12 ngày Hội nghị, hơn 150 nguyên thủ các quốc gia sẽ thảo luận, thu hẹp sự bất đồng để tiến tới một tiếng nói chung đồng thuận về bảo vệ Trái đất bằng việc ký kết một Hiệp ước mới thay thế Nghị định Kyoto năm 1997.
Nếu đạt được, đây sẽ là văn bản đầu tiên mang tính rằng buộc với tất cả các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, buộc các nước phải tuân thủ những cam kết về khống chế lượng khí phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính- thủ phạm chính của tình trạng Trái Đất nóng lên./.