Tổng thống Pháp Macron và tham vọng tạo “sự khác biệt” ở châu Phi
VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa tới thủ đô Ouagadougou, Burkina Faso, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Phi 3 ngày.
Hành trang mang theo tới châu Phi của người đứng đầu nước Pháp là gì? Và liệu ông Macron có đưa ra những đề xuất tham vọng nhằm chấm dứt “thế giới cũ” và “cách làm cũ” tại châu Phi như từng tuyên bố hay không? Đây là những câu hỏi mà báo chí Pháp, châu Âu và châu Phi liên tiếp đặt ra những ngày qua.
Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP
Chuyến thăm đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi theo kế hoạch ông Macron sẽ công bố chiến lược châu Phi của mình trong một bài phát biểu tại Đại học Ouagadougou, trước khi có buổi giao lưu với khoảng 800 sinh viên tại đây.
An ninh đã được đặc biệt tăng cường cao độ cho chuyến thăm của Tổng thống Pháp. Bởi lẽ, chi hai giờ trước khi ông Macron đặt chân tới Ouagadougou, một nhóm các tay súng đi môtô đã ném lựu đạn nhằm vào một đoàn xe của quân đội Pháp ở phía bắc thủ đô. Dù không trúng mục tiêu, song vụ tấn công cũng đã làm 3 người đi đường bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng.
Theo các nhà phân tích, vụ tấn công có thể sẽ làm thay đổi bài phát biểu của người đứng đầu nước Pháp. Các cố vấn ngoại giao của ông Macron cho biết, Tổng thống đã dành rất nhiều tâm huyết cho bài phát biểu đầu tiên tại châu Phi này, với tham vọng tạo ra sự đột phá so với phát biểu của những người tiền nhiệm nhằm tạo ra một động lực mới cho mối quan hệ Pháp- châu Phi, thậm chí còn tính đến cả những chỉ trích.
Điều này là dễ hiểu bởi Tổng thống Macron, cũng như Chính phủ của ông ý thức rõ về thực tế rằng, ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi không còn mạnh mẽ như trước đây, đặc biệt là đối với giới trẻ. Đây cũng chính là lý do khiến cuộc gặp với sinh viên Burkina Faso là một điểm nhấn quan trọng trong lịch trình của ông Macron.
Một báo cáo Quốc hội Pháp công bố năm 2015 với nhan đề “Sự ổn định và phát triển của châu Phi nói tiếng Pháp”, đã chỉ rõ sự suy giảm của hình ảnh nước Pháp trong mắt người dân châu Phi. Theo bài viết, nhận thức của người dân là một yếu tố quan trọng cần phải tính đến.
Đây có lẽ cũng là lý do khiến Tổng thống Macron quyết định thành lập Hội đồng Tổng thống về châu Phi, với 11 thành viên có mối liên hệ mạnh mẽ với cả châu Phi và với Pháp. Kể từ khi thành lập vào cuối mùa hè, Hội đồng Tổng thống về châu Phi đã họp hàng tuần để đưa ra những đề xuất cho Tổng thống. Các thành viên của Hội đồng cũng có tên trong phái đoàn Pháp thăm châu Phi lần này.
Quyết tâm tạo ra sự đột pháp của người đứng đầu nước Pháp còn thể hiện rõ ở việc chọn Burkina Faso cho bài phát biểu về chính sách châu Phi của mình. Hai vị Tổng thống tiền nhiệm là Nicolas Sarkozy và Francois Hollande đều chọn thủ đô Dakar, Senegal để khắc họa tầm nhìn của mình về mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi. Pháp ráo riết cho “ngày trở lại” châu Phi
Tổng thống Macron nói: “Burkina Faso là một biểu tượng của khát vọng dân chủ tại châu Phi. Những gì xảy ra tại Burkina Faso cách đây vài năm và những gì diễn ra hiện nay cho thấy sức sống mãnh liệt của nền dân chủ, của sức trẻ Burkina Faso và đây cũng là điều mà chúng tôi muốn thấy tại châu Phi”.
Tuy nhiên, thực hiện lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Hơn 55 năm sau khi kết thúc sự cai trị của thực dân Pháp, mối quan hệ giữa Pháp và một số nước thuộc địa cũ ở Tây Phi vẫn khá nhạy cảm. Pháp thường xuyên bị chỉ trích khi ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố hơn là duy trì sự ổn định chính trị tại khu vực.
Chính vì thế, ông Macron đã chọn giáo dục, Pháp ngữ, cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu, sự phát triển của các mối quan hệ thương mại và thể thao làm những chủ đề chính cho chuyến thăm châu Phi này, trong đó một số chưa bao giờ là lựa chọn của các đời Tổng thống Pháp trước đây.
Sau Burkina Faso, Tổng thống Macron sẽ tới Bờ Biển Nga để tham dự Hội nghị cấp cao giữa Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu, với trọng tâm là các vấn đề về người di cư và an ninh. Tham vọng của ông Macron là tạo ra một mối quan hệ mới của Pháp với châu Phi, như một phần của dự án tái thiết châu Âu.
Chặng dừng chân cuối cùng là Ghana, quốc gia lần đầu tiên được chào đón một vị Tổng thống Pháp. Theo phủ Tổng thống Pháp, việc chọn Ghana là một trong những điểm đến của chuyến công du châu Phi này cho thấy cách tiếp cận mới của Pháp với châu Phi, cũng như tham vọng của Pháp tạo dựng các mối quan hệ với các nước châu Phi sử dụng tiếng Anh.
Ông Macron sẽ trình bày một tầm nhìn mới về Pháp ngữ như một yếu tố thúc đẩy hội nhập giữa các nước châu Phi sử dụng tiếng Pháp và những nước châu Phi sử dụng tiếng Anh.
Với tất cả những toan tính của mình trong chuyến công du châu Phi lần nay, Tổng thống Pháp Macron rõ ràng đang rất quyết tâm thực hiện tham vọng "tạo ra sự khác biệt" trong quan hệ với châu Phi, vùng đất vốn có nhiều "duyên nợ" với nước Pháp./.
Tổng thống Pháp công du châu Phi: Tiền đề làm mới quan hệ Phi-Âu