Tổng thống Pháp-Mỹ gặp nhau, thống nhất khép bất đồng, hướng đến tương lai
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nước Mỹ “không có một đồng minh nào lâu đời, trung thành và có giá trị lớn như nước Pháp”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp trực tiếp chiều ngày 29/10 trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Roma, Italy và thống nhất khép lại bất đồng rạn nứt sau vụ tàu ngầm Australia vừa qua và hướng đến tương lai.
Phát biểu với báo giới khi gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Tòa Đại sứ quán Pháp tại Vatican chiều ngày 29/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận “nước Mỹ đã hành xử một cách vụng về trong sự kiện tàu ngầm Australia vừa qua”, đồng thời khẳng định nước Mỹ “không có một đồng minh nào lâu đời, trung thành và có giá trị lớn như nước Pháp”. Ông Joe Biden thừa nhận, có những việc đã xảy ra theo cách không nên xảy ra và cho rằng ông đã nhầm lẫn khi nghĩ rằng phía Pháp đã được thông báo sớm về sự kiện Aukus và việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.
Quan hệ giữa Pháp và Mỹ đã rạn nứt nghiêm trọng khi hồi giữa tháng 9/2021, Mỹ cùng Anh và Australia bất ngờ ra mắt liên minh an ninh Aukus và Australia thông báo hủy bỏ hợp đồng thế kỷ ký năm 2016 đặt mua 12 tàu ngầm động cơ điện-diesel của Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm động cơ hạt nhân của Mỹ-Anh.
Chính quyền Pháp đã phản ứng dữ dội, coi đây là sự phản bội, đâm sau lưng của các nước đồng minh và đã lần đầu tiên trong hơn 2 thế kỷ triệu tập Đại sứ Pháp tại Mỹ về nước. Tuy nhiên, phía Mỹ đã nỗ lực hòa giải với Pháp bằng hai cuộc điện đàm giữa ông Joe Biden và ông Macron cũng như chuyến thăm Pháp đầu tháng 10/2021 của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. Dự kiến, đầu tháng 11/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng sẽ thăm Pháp và dự Diễn đàn Hòa bình Paris, một sự kiện thường niên do Pháp tổ chức.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Roma, sau khi Tổng thống Mỹ thừa nhận sai lầm từ phía Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có động thái hòa giải khi tuyên bố muốn hai nước nhìn về tương lai và tiến về phía trước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Sau sự kiện Aukus, chúng tôi đã thực sự khởi động các hoạt động chung, các cam kết chính trị nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Mỹ và Pháp. Do đó, cần phải nhìn về tương lai. Những công việc được tiến hành trong vài tuần qua và cũng là chủ đề mà chúng tôi sẽ đề cập lần này trước hết là để đem lại những yếu tố sáng tỏ không thể thiếu về việc đâu thực sự là chủ quyền của châu Âu, đâu là nền quốc phòng của châu Âu, như là một phần của an ninh toàn cầu”.
Sau sự kiện Aukus, nhằm xoa dịu sự tức giận của phía Pháp, chính quyền Mỹ đã ủng hộ rõ ràng hơn việc thành lập một liên minh quốc phòng chung của Liên minh châu Âu, ý tưởng được Pháp đề xuất và theo đuổi quyết liệt nhất. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Sahel.
Ngoài Mỹ, phía Anh cũng đã có những tuyên bố hòa giải với Pháp. Phát biểu trước khi đến Roma dự Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi Pháp “là một trong những quốc gia đồng minh, bạn bè và đối tác tốt nhất và lâu đời nhất của Vương quốc Anh”, bất chấp việc quan hệ Anh-Pháp đang căng thẳng do các tranh chấp về nghề cá trong vài ngày qua./.