Tổng thống Pháp trả lời cho chính sách “Nước Mỹ trên hết”
VOV.VN - Tổng thống Pháp Macron ngày 25/4 có bài phát biểu đáng chú ý trước Quốc hội Mỹ, kêu gọi “chủ nghĩa đa phương” nhằm chống lại “chủ nghĩa dân tộc”.
Đây được xem là câu trả lời rõ ràng nhất của Pháp cho chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.
Trong bài phát biểu kéo dài 45 phút bằng tiếng Anh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần nhấn mạnh vai trò chung của Mỹ, châu Âu và Pháp, mà ông tin là có thể bảo vệ được trật tự quốc tế... cho dù là chống lại “các virus tin tức giả” hay là để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Toronto Star |
Theo ông, chúng ta có thể quyết định đi theo chủ nghĩa biệt lập, từ bỏ và chủ nghĩa dân tộc, đó là một lựa chọn. Chúng có thể hấp dẫn chúng ta như một phương thuốc nhất thời cho nỗ sợ hãi. Song đóng cửa với thế giới không ngăn được thế giới ngừng phát triển và sự tức giận không tạo nên điều gì.
“Chúng ta có thể xây dựng trật tự thế giới của thế kỷ 21 trên cơ sở một chủ nghĩa đa phương mới hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn và mang tính định hướng hơn, tức là một chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ hơn. Điều này đòi hỏi hơn bao giờ hết sự tham gia của Mỹ, với vai trò quyết định trong việc tạo ra và bảo vệ an toàn cho thế giới tự do. Mỹ đã phát minh ra chủ nghĩa đa phương này và bây là nước duy nhất phải giúp đỡ, duy trì và thiết lập”, ông Macron nói.
Trước một Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số, Người đứng đầu nước Pháp đã bảo vệ tính hiệu quả của các thể chế quốc tế được thành lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khéo léo đánh vào “sự nhạy cảm” của những người Cộng hòa khi nhấn mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy nền dân chủ..., hay của những người Dân chủ khi nhiều lần nhấn mạnh tới mong muốn bảo vệ khoa học và khí hậu, với tuyên bố sẽ không có “hành tinh B”, với niềm tin “sẽ có một ngày Mỹ quay lại thỏa thuận Paris về khí hậu”.
Ông Macron nhấn mạnh: “Với việc làm ô nhiễm các đại dương, không cắt giảm khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và phá hủy sự đa dạng của hệ sinh thái, chúng ta đang giết chết hành tinh. Hãy đối mặt với thực tế là không có hành tinh B. Tôi tin chắc rằng, có một ngày Mỹ sẽ quay lại và tham gia thỏa thuận khí hậu Paris”.
Tổng thống Pháp Macron thăm Mỹ “giải cứu” thỏa thuận hạt nhân Iran
Liên quan đến thương mại quốc tế, ông nhấn mạnh, Tổ chức Thương mại thế giới là nơi thích hợp để giải quyết cuộc xung đột về thâm hụt thương mại, bác bỏ mọi cuộc chiến thương mại giữa các nước đồng minh, ngầm ám chỉ thuế nhôm và thép mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt nhằm vào Liên minh châu Âu. Theo ông, chúng ta đã viết nên quy tắc thì buộc phải tuân theo.
Vấn đề được quan tâm hàng đầu khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm Mỹ hồi đầu tuần này là chương trình hạt nhân Iran cũng được đề cập tới trong bài phát biểu. Ông chủ Điện Elysée đã dành một lượng thời gian khá lớn để kêu gọi ủng hộ một thỏa thuận mới rộng rãi hơn về Iran và vấn đề hạt nhân của nước này.
Đây là kế hoạch mà ông đã đề cập với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp trước đó 1 ngày, song lại đang vấp phải sự do dự của ông chủ Nhà trắng, cũng như sự bác bỏ về nguyên tắc của Nga và Iran. Theo ông, đối với Iran, mục tiêu của cộng đồng thế giới là rõ ràng, đó là nước này không bao giờ nên sở hữu vũ khí hạt nhân. Không phải lúc này, cũng không phải 5 năm tới hay 10 năm tới, mà là không bao giờ.
Dù bài phát biểu đã phần nào cho thấy sự khác biệt giữa Pháp và Mỹ trong nhiều vấn đề, mà thậm chí theo nhiều nhà phân tích thì đây là “một sự thách thức Mỹ ngay trên sân nhà”, song cũng giống như những người tiền nhiệm như cựu Tổng thống Charles de Gaulle, Francois Mitterand hay Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không quên ca ngợi tình hữu nghị Pháp- Mỹ bất diệt, đánh giá đây là một mối quan hệ đặc biệt.
Điều này đã phần nào nói lên lập trường mà nước Pháp sẽ duy trì trong những vấn đề quốc tế nóng thời gian tới và thể hiện rõ trong buổi họp báo cuối cùng của người đứng đầu nước Pháp tại Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa đề cập vấn đề Iran khi thừa nhận, quyết định sắp tới Tổng thống Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran là khó có thể nghi ngờ, đó là khả năng Mỹ rút khỏi văn kiện này. Song đây sẽ không phải là một thất bại của ông trong nỗ lực thuyết phục người đứng đầu nước Mỹ thay đổi quyết định trong suốt 3 ngày thảo luận vừa qua, bởi sứ mệnh của ông đúng hơn là chuẩn bị cho điều tiếp theo./.
Ảnh: Tổng thống Pháp “nhanh trí” hôn ông Trump để thoát khỏi bắt tay