Tổng thống Putin tiết lộ sáng kiến hòa bình có thể giải quyết xung đột Ukraine
VOV.VN - Sáng kiến hòa bình của Nga có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và thúc đẩy một tiến trình ngoại giao, Tổng thống Vladimir Putin nhận định tại diễn đàn Primakov Readings lần thứ 10 ngày 25/6.
Tổng thống Putin cho biết ông tự tin rằng diễn đàn sẽ tạo ra sự quan tâm thỏa đáng đến "đề xuất của Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine một cách hòa bình".
"Tôi hy vọng khác với nhiều chính trị gia phương Tây thậm chí không muốn nhìn vào bản chất sáng kiến của chúng tôi, những người tham gia diễn đàn này sẽ xem xét nó một cách kỹ lưỡng và phù hợp, cũng như có thể thấy rằng nó thực sự thúc đẩy khả năng ngăn chặn xung đột, đồng thời chuyển sang tiến trình chính trị và ngoại giao", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp với các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/6, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, ám chỉ đến việc công nhận tình trạng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, các khu vực Kherson và Zaporozhye là lãnh thổ của Nga, quy định tình trạng không liên minh và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Moscow.
Diễn đàn Primakov Readings được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Diễn đàn là nơi thảo luận về các mối quan hệ quốc tế, những thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc tế và những mô hình tương tác mới giữa các nhân tố trong nền chính trị thế giới.
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho biết, Nga không tổ chức bất kỳ cuộc trao đổi "bí mật" nào với phương Tây về tình hình Ukraine.
"Chúng tôi không tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán bí mật nào với bất kỳ ai. Phương Tây đã từ chối đàm phán dựa trên một nền tảng công bằng, đó là chưa kể tới việc ông Zelensky cấm giới lãnh đạo Ukraine đàm phán với Nga", ông Lavrov nói. Ngoại trưởng Nga cũng đề cập đến việc Tổng thống Vladimir Putin ngày 14/6 đã đưa ra các đề xuất là "kết quả của những phân tích đúng mực và mang tính xây dựng về tình hình thực tế". Tuy nhiên, phương Tây đã không đưa ra phản hồi thực chất.