Tổng thống Syria Assad đối mặt thách thức lớn nhất của cuộc chiến 9 năm
VOV.VN - Nền kinh tế yếu kém, mâu thuẫn gia tộc và rạn nứt với Nga đã khiến chính phủ Syria rơi vào trạng thái bấp bênh hơn bao giờ hết.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong giai đoạn cầm quyền của ông, kể từ khi Syria chìm vào xung đột cách đây 9 năm. Nền kinh tế trên bờ vực sụp đổ, mâu thuẫn gia tộc và căng thẳng với Nga – đồng minh chủ chốt của Syria, đã khiến chính quyền của ông rơi vào trạng thái bấp bênh hơn bao giờ hết.
Tổng thống Syria Assad đang đối mặt với nhiều thách thức lớn hậu xung đột. Ảnh: Sputnik. |
Các nhóm phiến quân hiện giờ đã bị dồn vào chân tường, không còn gây ra bất cứ mối đe dọa nào và cũng không có một đối thủ nặng ký nào đứng ra cạnh tranh vị trí lãnh đạo một quốc gia mà gia đình ông Assad đã nắm quyền điều hành suốt 50 năm qua.
Song, những rạn nứt đang bắt đầu xuất hiện trên một mặt trận thống nhất được tạo ra bởi những người đã ủng hộ ông Assad trong suốt cuộc chiến chống lại phiến quân và phe đối lập. Một vài chỉ trích hiếm hoi xuất hiện trên phương tiện truyền thông Nga cho rằng ông đã quá phụ thuộc vào đồng minh nước ngoài, trong đó phải kể đến Nga và Iran. Quan trọng hơn cả, nền kinh tế suy yếu sau 9 năm xung đột đang đẩy người dân Syria vào tình trạng đói nghèo với quy mô chưa từng có trong lịch sử. Và trong khi 1/3 lãnh thổ Syria vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Assad, sự bùng phát một cuộc bạo loạn ở tỉnh Darra, miền nam Syria có nguy cơ dẫn đến làn sóng xung đột mới ở những khu vực đã được chính quyền giành lại.
Tổng thống Bashar Al-Assad hiện giờ ở tình thế dễ bị tổn thương hơn bất cứ thời điểm nào trong 9 năm xung đột, nhà phân tích Lina Khatib tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) nhận xét.
“Tổng thống Assad phụ thuộc khá nhiều vào sự hỗ trợ của Nga và Iran. Ông không có đủ nguồn lực trong nước để phục hồi kinh tế và cũng không có sức mạnh quân sự như trước cuộc xung đột”, chuyên gia Lina Khatib cho biết.
Mâu thuẫn gia tộc
Tranh cãi giữa ông Assad và người em họ Rami Makhlouf – một trong những doanh nhân giàu có nhất Syria, là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong gia đình Tổng thống Assad vốn rất đoàn kết từ trước đến nay.
Chính phủ Syria đã tịch thu tài sản của gia đình ông Rami Makhlouf, cấm công ty của ông làm ăn với nhà nước trong 5 năm. Quyết định này được đưa ra sau nhiều tuần tranh cãi về các khoản tiền thuế quá hạn mà chính phủ yêu cầu Tập đoàn viễn thông Syriatel do ông Makhlouf điều hành, phải thanh toán.
Trong loạt bài đăng tải trên mạng xã hội Facebook, doanh nhân này đã chỉ trích quyết định tịch thu tài sản của chính phủ, nhấn mạnh rằng ông không còn liên lạc trực tiếp với Tổng thống. Ông Rami Makhlouf cũng nêu rõ sẽ không sẵn sàng bàn giao hơn 600 triệu tiền thuế mà chính phủ Syria cho rằng ông đang nợ.
Doanh nhân Makhlouf từng được xem là trợ lý thân cận của ông Assad, luôn ủng hộ người anh họ kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống vào năm 2000. Các tổ chức từ thiện do ông sáng lập là một trong những nguồn hỗ trợ chính cho những binh sỹ bị thương và cho gia đình các binh sỹ thiệt mạng trong cuộc chiến chống phiến quân.
Mâu thuẫn nói trên cho thấy nguy cơ đang chực chờ trong nội bộ chính quyền tổng thống Assad, trong bối cảnh chính phủ Syria đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng để củng cố nguồn tài chính cho đất nước, nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh và các biện pháp trừng phạt nặng nề từ Mỹ và phương Tây.
Nền kinh tế suy yếu
Đồng nội tệ của Syria đã giảm hơn 1 nửa giá trị trong 1 tháng qua, sau khi suy yếu liên tiếp trong vòng 6 tháng trước đó. Giá cả các mặt hàng như bánh mì và đường đã tăng gấp đôi, khiến người dân Syria đứng trước bờ vực của nạn đói, báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới tuần trước cho biết.
Sự sụt giảm của đồng tiền Syria xảy ra nhanh hơn do đồng lira của Lebanon bị trượt giá, bởi các thương nhân Syria phụ thuộc phần lớn vào việc tiếp cận với các ngân hàng ở nước láng giềng Lebanon để chi trả cho hoạt động nhập khẩu.
Chưa hết, biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Assad phải thỏa hiệp với phe đối lập đã ngặn chặn hoạt động đầu tư hoặc tái thiết để thúc đẩy tăng trưởng. Bắt đầu từ tháng 6/2020, những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ sẽ có hiệu lực theo Đạo luật Caesar quy định trừng phạt bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào trên thế giới hỗ trợ cho chính phủ Syria.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, nhiều người lo ngại cuộc khủng hoảng tại quốc gia này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, thách thức khả năng của chính phủ trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp. Tiền lương dành cho nhân viên làm việc trong lĩnh vực công và một số lĩnh vực tư nhân tiếp tục được giải ngân, song không rõ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại bao lâu khi biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục được áp dụng trên toàn quốc. Việc hạn chế đi lại giữa các tỉnh thành trên toàn quốc đã làm giảm hoạt động kinh tế, thương mại của nhiều khu vực.
Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Syria Noureddin Mouna đã thể hiện sự lo lắng trên trang Facebook cá nhân, ông cho rằng: “Viễn cảnh tại Syria rất ảm đạm và đáng sợ. Sẽ có những sự kiện khó thấy trước hoặc khó lý giải. Người dân Syria luôn sống trong sự sợ hãi, lo lắng và đói nghèo”.
Nga-Thổ lật ngược tình thế, tránh nguy cơ “tắm máu” tại Idlib (Syria)
Cơn sóng ngầm bên trong lệnh ngừng bắn ở Idlib (Syria)
Rạn nứt với Nga
Áp lực khác mà Tổng thống Assad phải đối mặt là những dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng trong quan hệ với Nga.
Nga muốn 1 liên minh quốc tế để tái thiết Syria. Nhưng để làm được điều này, Moscow cần 1 chính phủ Syria hợp pháp, được cộng đồng quốc tế công nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Assad phải chấp nhận một hiến pháp mới, có thể đảm bảo sự an toàn cho những đối thủ của ông. Tuy vậy, kế hoạch của Nga dường như không được chính quyền Tổng thống Assad ủng hộ. Ông Assad từng nhiều lần thể hiện sự không sẵn sàng để các yếu tố nước ngoài ảnh hưởng tới việc cải cách Hiến pháp của Syria.
Cựu đại sứ Nga tại Syria Alexander Aksenyonok, cho rằng việc ông Assad từ chối đưa ra một số nhượng bộ chính trị, đã đi ngược với lợi ích của Nga.
“Nga đã đạt đến giới hạn của sự thỏa hiệp trong tiến trình hòa bình do nước này tài trợ với hy vọng sẽ dẫn đến những cải cách chính trị”, chuyên gia này nói thêm. “Nếu Tổng thống Assad từ chối chấp nhận hiến pháp mới, chính phủ Syria sẽ tự đặt mình vào nguy cơ lớn”.
Cùng chung quan điểm này, ông Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng có trụ sở tại Moscow đánh giá: “Đang có sự thất vọng tại Moscow khi chính phủ Syria từ chối cải cách về mặt chính trị, bởi những cải cách như vậy sẽ làm giảm quyền lực của ông Assad, nhưng lại được xem như điều kiện thiết yếu cho tiến trình hòa giải thực sự và lâu dài”.
“Điện Kremlin cần phải thoát khỏi cơn đau đầu Syria. Vấn đề nằm ở Tổng thống Assad và các quan chức trong chính quyền của ông”, Alexander Shumilin, một nhà ngoại giao kì cựu và hiện tại là giám đốc của Viện Châu Âu - Trung Đông cho biết.
Hơn nữa, Syria đang trong quá trình tái thiết kinh tế và nước này cần có nhiều nguồn lực đầu tư. Câu hỏi đặt ra là nước nào sẽ hỗ trợ cho Syria trong tiến trình này khi cả Nga và Iran – vốn được coi là 2 đồng minh lớn nhất của chính quyền Tổng thống Assad chưa sẵn sàng đảm nhận công việc đó.
Một số ý kiến cho rằng, khó khăn về kinh tế mà Nga gặp phải kể từ khi EU bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, dịch bệnh Covid-19 hoành hành cùng giá dầu giảm mạnh thời gian gần đây sẽ buộc nước này phải giảm cam kết tài trợ cho Syria và điều đó có thể làm gia tăng sự rạn nứt giữa hai bên.
Giờ đây, sự sống còn về mặt kinh tế của Syria đang trở thành là thách thức lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống Assad. Vấn đề cũng là phép thử mới nhất trong quan hệ giữa Moscow và Damascus./.