Tổng tuyển cử tại Iraq: Hi vọng hướng đến cải cách?
VOV.VN - Hơn 24 triệu cử tri Iraq đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sớm, được cho là thời khắc quan trọng mở ra giai đoạn mới với những cải cách đầy hứa hẹn cho quốc gia này. Mỹ và phương Tây cũng ra thông cáo chung kêu gọi tất cả các bên ở Iraq tôn trọng tính nghiêm túc của cuộc tổng tuyển cử.
Theo Ủy ban Bầu cử độc lập cấp cao Iraq, các cử tri sẽ bầu ra 329 đại biểu trong số 3.249 ứng cử viên. Trước đó, lực lượng an ninh, những người di tản và các tù nhân đã đi bỏ phiếu sớm. An ninh cũng được đặt trong tình trạng báo động từ ngày 2/10 và duy trì cho đến sau cuộc bầu cử, để đảm bảo không xảy ra bất kỳ trở ngại nào đối với quá trình bỏ phiếu của cử tri.
Phát biểu trước ngày bầu cử, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tuyên bố quan điểm trung lập trong cuộc tổng tuyển cử, đồng thời đảm bảo sự minh bạch của cuộc bầu cử: "Tôi và Nội các của mình đã hạn chế tác động đến bức tranh bầu cử, tránh nghiêng về một phe cụ thể, ứng cử viên, đảng phái hoặc thực thể chính trị. Tôi cũng không cho phép chính phủ khoan dung đối với bất kỳ vi phạm nào trong quy trình bầu cử”.
Cuộc bầu cử sớm tại Iraq diễn ra sau khi làn sóng biểu tình lan rộng năm 2019 trên khắp Iraq, khiến Thủ tướng Mahdi phải từ chức và buộc chính phủ hiện tại tổ chức tổng tuyển cử sớm. Luật bầu cử mới cho phép nhiều ứng cử viên độc lập hơn tham gia vào quốc hội. Tuy nhiên nhiều cử tri cho rằng, cuộc bầu cử khó tạo ra sự cải cách triệt để của hệ thống chính trị như họ mong muốn.
“Hiện lớp thanh niên trẻ chia ra làm 2 phe, 1 là ủng hộ cuộc bầu cử, 2 là tẩy chay. Nhiều người tẩy chay vì họ thấy những đảng tương tự tham gia bầu cử và những gương mặt cũ” - một cử tri cho biết.
Iraq dự kiến đối mặt với quá trình gian nan về đàm phán chính trị để thành lập liên minh sau bầu cử, trong khi chính phủ mới có thể sẽ tuyên bố cam kết cải cách lĩnh vực kinh tế và an ninh, nhưng sẽ đối mặt với không ít các rào cản để thực hiện các biện pháp này. Hiện có những lo ngại tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể giảm xuống dưới con số 44,5% so với năm 2018, trong bối cảnh nhiều người trẻ “chán nản” về việc khó thực hiện được những cải cách có thể đáp ứng được nguyện vọng của 40 triệu người dân Iraq, mà 60% trong số họ dưới 25 tuổi.
Tổng thống Iraq Barham Salih hôm qua kêu gọi người dân Iraq đi bỏ phiếu, cho rằng tỷ lệ cử tri đi bầu cao sẽ là một "bước ngoặt" đối với quốc gia này: "Ngày bầu cử được hi vọng sẽ là ngày hội quốc gia và là cơ hội để củng cố ý chí quốc gia của người Iraq, để người Iraq tái khẳng định độc lập, chủ quyền và bắt đầu những cải cách thực sự mang lại cho họ các quyền chính đáng".
Ngay trước ngày tổng tuyển cử tại Iraq, Mỹ và 11 đồng minh phương Tây đã ra thông cáo chung kêu gọi tất cả các bên ở Iraq tôn trọng tính nghiêm túc của cuộc tổng tuyển cử, ủng hộ các nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo môi trường bầu cử an toàn, tự do, công bằng và toàn diện cho người dân Iraq./.