Triển vọng chính sách “Ví kỹ thuật số 10.000 baht” của tân chính phủ Thái Lan
VOV.VN - Dự kiến từ đầu năm 2024, tất cả người dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ được nhận 10.000 bạt (baht) - tức khoảng 7 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm hàng ngày thông qua một ví kỹ thuật số. Chính sách này được ví như “cú hích đột phá phát triển kinh tế” Thái Lan.
Ý nghĩa con số 10.000 baht và hình thức đồng tiền kỹ thuật số
Theo lý giải của giới chuyên gia, số tiền 10.000 baht có thể khuyến khích một hộ gia đình đầu tư hơn là chi tiêu thông thường. Chẳng hạn, nếu một hộ gia đình có 10 thành viên và tất cả đều đủ tiêu chuẩn để hưởng tiền trợ cấp thì gia đình này có thể nhận tổng cộng 100.000 baht (2.800 USD). Với một số gia đình, số tiền này có thể đủ để mở một cửa hàng nhỏ, mua thêm nguyên vật liệu thô hoặc đầu tư để tăng thu nhập gia đình.
Nếu số tiền tặng thấp hơn như 5.000 baht/người (130 USD/người) hoặc cấp tiền mặt thì người nhận sẽ sử dụng tiền cho chi tiêu thông thường, tạo ra hiệu ứng thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn sử dụng ví điện tử thay vì tiền mặt thông thường có thể tạo ra hạ tầng thanh toán điện tử và kích thích kinh tế. Mô hình này được kì vọng vừa giúp thúc đẩy kinh tế vừa cải thiện năng lực kỹ thuật số của đất nước.
Với sự hỗ trợ bảo đảm an toàn của công nghệ chuỗi khối (block chain), ví điện tử có thể giảm tối thiểu rủi ro tài chính và đưa ra một kênh an toàn cho nhiều loại giao dịch tài chính nhờ hoàn toàn có thể truy vết được. Hơn nữa, hệ thống chuỗi khối được đánh giá là đáng tin cậy, do không có sự đầu cơ hay biến động về giá trị tiền vì Ví kỹ thuật số không phải là một loại tiền tệ mới hay một dạng tiền điện tử.
Thủ tướng Srettha Thavisin vừa mới đây cũng thông báo Chính phủ đã chọn ứng dụng Pao Tang do Ngân hàng Krungthai vận hành để tích hợp với công nghệ blockchain cho sáng kiến Ví kỹ thuật số 10.000 baht. Ứng dụng Pao Tang đang có sẵn lượng khách hàng lớn với hơn 40 triệu người đăng ký và Chính phủ có thể chuyển tiền qua Pao Tang bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu trung tâm của quốc gia.
Việc sử dụng công nghệ blockchain và Ví kỹ thuật số trong chương trình này còn có thể đóng vai trò là khúc dạo đầu cho việc triển khai dự án Tiền kĩ thuật số của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (Central Bank Digital Currency hay CBDC).
Ngòi nổ đánh thức nền kinh tế Thái Lan
Người dân Thái Lan có thể dùng “Ví kỹ thuật số 10.000 baht” để mua hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày, trừ các loại mặt hàng bị cấm như thuốc lá, rượu, một số sản phẩm online…
Loại tiền này không được sử dụng để trả nợ hay chuyển sang tiền tệ truyền thống, và chỉ có thể được sử dụng để mua sắm tại một số cửa hàng, doanh nghiệp nằm trong phạm vi 4 km từ địa chỉ của người nhận. Mục đích là để kích thích kinh tế địa phương, ngăn chặn tình trạng dư thừa thu nhập ở khu vực thành thị.
Trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan đang trì trệ, Chính phủ mới nhận định chính sách Ví kỹ thuật số sử dụng ngân sách 560 tỷ baht (16 tỷ USD) nhưng sẽ kích thích dòng tiền tăng gấp khoảng bốn lần, lên hơn 2.000 tỷ baht (56 tỷ USD), giúp nâng tăng trưởng kinh tế từ mức 2,8% dự báo trong năm nay lên tới 5% trong năm tới.
Mô hình này có thể giúp thúc đẩy kinh tế và cải thiện năng lực kỹ thuật số của đất nước. Hạ tầng thanh toán kỹ thuật số mới có thể giúp chính phủ thúc đẩy một số chính sách cụ thể và trợ cấp vào những lĩnh vực mục tiêu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kế hoạch Ví kỹ thuật số, cùng với các chính sách khác của chính phủ nhằm tạo cơ hội nghề nghiệp mới, thúc đẩy quyền lực mềm, giảm giá năng lượng và tăng gấp ba lần doanh thu của nông dân, được kì vọng sẽ giúp kích thích hơn nữa nền kinh tế Thái Lan, đảm bảo sinh kế của người dân.
Nguồn tiền khổng lồ sẽ lấy ở đâu?
Chính phủ mới của Thủ tướng Srettha dự kiến sẽ khởi động chương trình phát tiền vào quý I/2024 và đảm bảo phát tiền trước dịp Tết té nước năm mới Songkran vào tháng 4 để khuyến khích chi tiêu.
Với mỗi công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên được nhận 10.000 baht qua Ví kĩ thuật số để chi tiêu, tổng số tiền cần cho kế hoạch này là 560 tỷ baht (16 tỷ USD) sẽ được chi trong 6 tháng. Nguồn tiền là từ ngân sách nhà nước và các khoản thuế bổ sung mà không cần vay mới, không ảnh hưởng tới kỷ luật tài chính của đất nước, theo như cam kết của Chính phủ mới.
Chính phủ cũng đang hướng đến điều chỉnh một số điều kiện, đặc biệt là quy định hạn chế bán kính 4 km để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo đó, khu vực được phép chi tiêu sẽ được mở rộng để hỗ trợ người dân sống ở các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi có ít cửa hàng đủ điều kiện trong phạm vi bán kính 4 km.
Ví kĩ thuật số 10.000 baht là một trong những chính sách ưu tiên của Chính phủ mới do Thủ tướng Srettha lãnh đạo nhằm phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cả ở trong nước và quốc tế, kế hoạch này có thể làm tăng thâm hụt tài chính, làm giảm khả năng chống chịu của Thái Lan trước những cú sốc kinh tế trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan cuối tuần vừa qua đã nâng khoản thâm hụt ngân sách hàng năm từ 593 tỉ baht (16,5 tỉ USD), tương đương 3% GDP, lên hơn 693 tỉ baht (19 tỉ USD), trong khi nguồn thu của Chính phủ dự kiến chỉ tăng nhẹ.