Triển vọng của Cuba sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ
VOV.VN- Theo tuyên bố của Tổng thống Barack Obama, Mỹ và Cuba đã nhất trí sẽ mở cửa trở lại Đại sứ quán ở thủ đô của 2 nước vào ngày 20/7.
Sau hơn một nửa thế kỷ đối đầu, đây là một tín hiệu đáng mừng đối với chính phủ và nhân dân 2 nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp lâu nay muốn Mỹ dỡ bỏ cấm vận với quốc đảo Caribbean giàu tiềm năng kinh doanh du lịch này.
Một người Cuba ra dấu ủng hộ Mỹ-Cuba bình thường hóa quan hệ (Ảnh AFP) |
Tuy nhiên, đây chỉ là viên gạch đầu tiên của một chặng đường xây dựng lại mối quan hệ giữa 2 nước vốn sẽ còn lâu dài và cũng không ít những khó khăn.
Ngày mai, lá cờ Cuba sẽ chính thức được kéo lên tại Đại sứ quán Cuba ở Washington lần đầu tiên sau 54 năm vắng bóng. Cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại La Havana cũng tự động mở cửa trở lại nhưng lễ thượng cờ sẽ được tổ chức nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry đến Cuba dự kiến diễn ra vào tháng sau.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba tháng 12 năm ngoái đến nay, Mỹ đã nới lỏng các lệnh cấm đi lại đến quốc đảo này, cho phép thiết lập mối quan hệ liên ngân hàng 2 nước và mở cửa cho việc xuất khẩu thiết bị viễn thông, nông nghiệp và xây dựng sang Cuba.
Ông Wayne Smith, nguyên là một nhà ngoại giao của Mỹ tại Cuba, nhận định: “Ông Obama hướng tới điều này vì đến thời điểm này chính sách đối với Cuba đã trở thành một nỗi hổ thẹn. Nước Mỹ bị cô lập. Chúng tôi là nước duy nhất ở bán cầu Tây này không có mối quan hệ ngoại giao thương mại bình thường với Cuba. Đó là điều đáng hổ thẹn. Và mỗi năm, cứ đến kỳ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nước Mỹ lại bị chỉ trích gay gắt vì những lệnh cấm vận với Cuba”.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn tạm thời duy trì lệnh cấm vận kinh tế và cấm du lịch đối với Cuba sau khi 2 nước chính thức mở lại đại sứ quán ở mỗi bên. Mặc dù vậy, việc chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ vẫn được giới doanh nghiệp Cuba kỳ vọng sẽ đem lại thay đổi vĩnh viễn cho nền kinh tế của quốc đảo này.
Chủ nhà hàng “Vườn” (Garden) ở thủ đô La Havana, ông Remy Dou Marchin cho rằng: “Du khách Mỹ rất thích khám phá đất nước này và không chỉ có họ mà du khách từ nhiều nước trên thế giới cũng vậy. Nhưng riêng đối với Mỹ, họ chỉ cách chúng tôi một chuyến bay khoảng 30- 45 phút. Chính sự gần gũi này sẽ khiến các du khách đến đây và điều đó có lợi cho không chỉ doanh nghiệp tư nhân mà cả nhà nước nữa, đặc biệt là các khách sạn”.
Đối với những doanh nghiệp Cuba, đây sẽ là cơ hội cả đời người chỉ có một lần những cũng sẽ đem đến những thách thức lớn chưa từng có.
Ông Omar Everleny, nhà kinh tế học thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế ở La Habana nhận định: “Cuba cần phải sẵn sàng nhưng tôi nghĩ chúng tôi chưa thực sự chuẩn bị tốt bởi vì hoạt động du lịch phần lớn chỉ phát triển ở ngoài thủ đô La Habana.
Du khách Mỹ không chỉ muốn đến ngắm các bãi biển đầy nắng. Đó chính là một thách thức lớn. Những thành phố mà mọi người muốn đến thăm, như La Havana chẳng hạn, vẫn còn quá ít khách sạn vì thế nên mới có dịch vụ tư nhân. Thực tế số liệu cho thấy khoảng 18.000 du khách Mỹ đến đây và ở nhà dân. Vấn đề ở đây là du khách Mỹ luôn thích ở khách sạn hơn”.
Từ khi lên nắm quyền năm 2008, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã trao nhiều quyền tự quản cho các doanh nghiệp nhà nước, cắt bớt bao cấp và giảm vai trò của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như bán lẻ để tạo điều kiện phát triển khối doanh nghiệp phi quốc doanh. Tiếp tục đà cải cách này, Cuba có thể tự tin từng bước mở cửa thị trường và thiết lập lại mối quan hệ thương mại với Mỹ.
Trong khi đó về phía Mỹ, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba có thể là một tiến trình khó khăn vì phải có sự xem xét của Quốc hội.
Hiện Tổng thống Obama đang dùng quyền hành pháp để lách qua những kẽ hở trong rào cản thương mại đối với Cuba nhưng phe Cộng hòa đang chiếm đa số tại cả 2 viện Quốc hội đã tuyên bố sẽ không để ông toàn quyền dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba./.