Triều Tiên lên án Hàn Quốc nổ súng cảnh cáo gần biên giới 2 nước
VOV.VN - Triều Tiên ngày 25/10 lên án hải quân Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo một tàu tuần tra của nước này gần đường biên giới tranh chấp trên biển giữa 2 bên.
Phía Triều Tiên cho biết, hải quân Hàn Quốc đã bắn vào tàu của nước này đang tuần tra trên biển theo “thường lệ”. Triều Tiên gọi đây là “hành động gây hấn nghiêm trọng” và cảnh báo rằng điều này có thể khơi mào cho một cuộc đối đầu quân sự và làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Một con tàu của Hải quân Hàn Quốc đang nổ súng. (Hình minh họa: AP). |
Phát thanh viên Đài truyền hình trung ương Triều Tiên dẫn thông cáo của chính phủ nêu rõ: “Hành động gây hấn quân sự của quân đội Hàn Quốc là nguy hiểm và nhằm phá hỏng bầu không khí cải thiện quan hệ rất khó khăn mới có được, đồng thời làm chệch hướng tiến trình thực hiện thỏa thuận Bắc – Nam”.
Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm 2 bên đang tổ chức cuộc đoàn tụ lần thứ 20 cho các gia đình bị li tán vì chiến tranh liên Triều theo một thỏa thuận hồi tháng 8 vừa qua.
Quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã khẳng định thông tin tàu của hải quân nước này bắn một vài phát đạn cảnh cáo tàu tuần tra của Triều Tiên đi qua đường biên giới tranh chấp trên biển, buộc tàu của Triều Tiên phải rút lui. Theo lời quan chức này, tàu của Triều Tiên đã không bắn trả và không có thương vong nào cho cả 2 bên.
Năm 1999, hải quân 2 nước từng đọ súng ở khu vực mà phía Hàn Quốc gọi là Đường giới hạn phía Bắc (Northern Limit Line - NLL) này, làm hàng chục thủy thủ của 2 bên thiệt mạng. Phía Triều Tiên không chấp nhận đường ranh giới được vạch ra sau chiến tranh liên Triều 1950 – 1953 này, cho rằng biên giới trên biển của nước này nằm sâu hơn xuống phía Nam.
Năm 2010, Hàn Quốc cáo buộc ngư lôi của Triều Tiên đánh chìm tàu của hải quân nước này ở khu vực đường biên giới tranh chấp trên biển làm 46 thủy thủ thiệt mạng, tuy nhiên phía Triều Tiên bác bỏ cáo buộc này.
Về măt lý thuyết, 2 nước vẫn ở trong tình trạng chiến tranh vì chưa có một thỏa thuận hòa bình mà chỉ có một hiệp ước đình chiến./.