Triều Tiên phóng SLBM ngay trước lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Hàn Quốc
VOV.VN - Trưa 7/5 (theo giờ Việt Nam), Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), ngay trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol – người vừa bị truyền thông Triều Tiên chỉ trích là “thân Mỹ” và thích “đối đầu”.
Đây cũng là vụ phóng tên lửa liên tiếp thứ 15 của Triều Tiên trong năm nay, khi tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên bế tắc hơn 3 năm qua.
Quân đội Hàn Quốc xác nhận, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm tại vùng biển gần thành phố Sinpo của Triều Tiên – khu vực chuyên tập kết tàu ngầm. Hội động An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) ngay lập tức triệu tập họp khẩn, dưới sự chủ trì của Giám đốc an ninh quốc gia Suh Hoon, để bàn chi tiết về vụ phóng của Triều Tiên. Giới tình báo Mỹ và Hàn Quốc cũng đang phối hợp để đánh giá tình hình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cũng đã xác nhận vụ việc, đồng thời cho biết, tên lửa được Triều Tiên vừa phóng đã bay cao tới 50 km và xa tới 600 km, rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Ông Nobuo Kishi cho rằng, năng lực công nghệ tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang đe dọa an ninh khu vực và quốc tế và các vụ phóng là “không thể chấp nhận”, phớt lờ các nỗ lực ngoại giao mới đây của cả đồng minh Trung Quốc.
“Các hành động gần đây của Triều Tiên, bao gồm các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tục là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của Nhật Bản và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hơn nữa nó còn diễn ra khi thế giới đang tập trung giải quyết tình hình tại Ukraine”, ông Nobuo Kishi nói.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cho biết, nước này đang phối hợp với Mỹ về tình hình, đồng thời dự báo Triều Tiên có khả năng thử hạt nhân ngay trong tháng này và sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích. Đây cũng là đánh giá của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) Park Jie-won hôm nay (7/5), cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân vào thời điểm giữa lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào ngày 10/5 và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Seoul vào cuối tháng này. Quan chức này nhận định, nếu Triều Tiên thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân, thì các tên lửa tầm ngắn cũng có thể được trang bị.
Cùng chung quan điểm như vậy, Giáo sư Yang Moo-jin, của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul cho rằng, các hành động gần đây của Triều Tiên đang nhằm tới đích là chính phủ mới của Tổng thống Hàn Quốc; tạo ra áp lực cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Hàn đầu tiên dưới thời ông Yoon Suk-yeol. Đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên nhận thấy Tổng thống đắc cử Hàn Quốc đang có quan điểm thân Mỹ, ca ngợi liên minh Mỹ – Hàn, trong khi có những tuyên bố cứng rắn với Triều Tiên.
Ngay trước vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song nhấn mạnh bất kỳ cuộc hội đàm nào chỉ nên được thực hiện khi chúng mang lại kết quả rõ ràng trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hay hoạt động trao đổi qua biên giới.
Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cho rằng, không có lý do gì để tránh các cuộc gặp như vậy. Tuy nhiên, nếu những cuộc gặp như vậy không mang lại kết quả thiết thực trong vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như sự hỗ trợ kinh tế của Seoul dành cho Bình Nhưỡng, thì các cuộc gặp này sẽ không hữu ích cho mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như thúc đẩy mối quan hệ liên Triều./.