Trục Ankara- Moscow: Một kỷ nguyên mới bắt đầu
VOV.VN- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang tìm cách khép lại quá khứ và thiết lập đồng minh mới với Nga sau vụ đảo chính bất thành vào ngày 15/7.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đến Nga vào ngày 9/8 trong một chuyến thăm thu hút nhiều sự chú ý, nhằm gây dựng lại quan hệ với Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 9/8 |
Ngay sau khi hạ cánh xuống thành phố St. Petersburg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào "một giai đoạn hoàn toàn khác” trong mối quan hệ với Nga và tình đoàn kết giữa hai quốc gia có thể góp phần giải quyết những vấn đề của khu vực.
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông "vui mừng” gặp lại ông Erdogan. Sau khi hai nhà lãnh đạo bắt tay, Tổng thống Putin phát biểu: "Chuyến thăm của ngài ngày hôm nay, bất chấp tình hình chính trị trong nước rất khó khăn, cho thấy tất cả chúng ta muốn khởi động lại đối thoại và khôi phục lại quan hệ giữa hai nước".
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, hai nước đối tác một thời, đã bị chia rẽ bởi nhiều bất đồng về các chính sách của mỗi bên trong cuộc chiến tranh tại Syria mà đỉnh điểm là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy báy bay chiến đấu của Nga ở gần biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, với hy vọng khép lại quá khứ ông Erdogan phát biểu rằng cuộc gặp mặt tại St. Petersburg sẽ là một sự khởi đầu mới giữa ông và "người bạn Vladimir”.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS trước chuyến đi, ông Erdogan cho hay: "Một trang mới sẽ mở ra trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Trang mới này sẽ bao gồm hợp tác quân sự, kinh tế và văn hoá”.
Nga đã chấp nhận lời xin lỗi của Ankara về vụ bắn hạ chiến đấu cơ trong niềm hy vọng hiện rõ về việc hoà giải cũng như phục hồi mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành bắt giữ các phi công lái máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiến đấu cơ của Nga vào ngày 24/11/2015 vì buộc tội họ tham gia vào cuộc đảo chính bất thành vào tháng trước.
Bóng tối kéo dài của cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Erdogan sau vụ đảo chính ngày 15/7, khi một nhóm các sỹ quan quân sự Thổ Nhĩ Kỳ phản bội toan tính cướp chính quyền khiến ít nhất 230 người thiệt mạng. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã "chì chiết" phương Tây vì các nước này bày tỏ mối quan ngại về chiến dịch thanh trừng những phần tử nổi dậy của ông Erdogan và phàn nàn rằng phương Tây tỏ ra thiếu hỗ trợ chính phủ cầm quyền được lựa chọn một cách dân chủ. Trái lại, Nga đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ ông Erdogan sau khi vụ đảo chính thất bại mà không đề cập đến bất kỳ lo ngại gì về chiến dịch trấn áp của ông Erdogan.
Khi mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các liên minh NATO truyền thống như Mỹ và châu Âu bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng bởi các cuộc thanh trừng của Ankara, thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang hướng về Nga để tìm kiếm sự ủng hộ.
Sau vụ máy bay chiến đấu bị bắn rơi, Nga đã tiến hành cấm vận đối với Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ ngừng sử dụng đường ống khí đốt tự nhiên của Nga chạy tới Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đối đấu gay gắt đến mức thậm chí Tổng thống Putin tuyên bố ông Erdogan đã khiến Mustafa Kemal Ataturk, nhà sáng lập ra nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại "từ mồ mả phải bật lên”.
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga vào tháng 11/2015 đã gây ra cũng khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. |
Những biện pháp trừng phạt của Nga như đòi hỏi về thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ, cấm bán các tour du lịch trọn gói đến Thổ Nhĩ Kỳ, và cấm nhập khẩu nông sản thổ Nhĩ Kỳ đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Lịch sử quan hệ bất hoà
Song quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, hai cường quốc đang ganh đua để giành ảnh hưởng trong khu vực chưa bao giờ "xuôi chèo, mát mái". Quan hệ giữa hai nước đã được ví như một cuộc "hôn nhân vụ lợi”.
Trong suốt ba thế kỷ, Đế quốc Ottoman (quốc hiệu của Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại từ năm 1299 đến năm 1923) và Đế quốc Nga trước đây thường xuyên xảy ra xung đột, chiến tranh và chỉ đình chiến theo Hiệp ước Brest-Litovsk vào cuối Thế chiến I. Mặc dù hai quốc gia này không thù địch trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh song luôn đứng ở những bên đối lập: khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO thì Liên xô cũ xây dựng Hiệp ước Warsaw.
Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có một mối quan hệ vừa phải mặc dù thái độ ủng hộ công khai của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nước Trung Á mới thành lập khiến Nga lo ngại và thận trọng. Các nước nói tiếng Thổ như Turkmenistan, Uzbekistan, Azerbaijan, và Kyrgyzstan tiếp tục hưởng những lợi ích kinh tế và chính trị nhờ duy trì quan hệ thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện trong nhiều năm và chỉ bắt đầu xấu đi khi cuộc chiến tranh Syria bắt đầu bởi Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đòi phế truất nhà ông Assad để cuộc chiến tranh tại Syria chấm dứt. Vụ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga gần biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ đã làm băng hoại mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước đang cố gắng khôi phục lại tình bằng hữu./.