Trump muốn thay đổi chiến lược chống Covid-19: Bước đi đầy mạo hiểm?
VOV.VN - CNN cho rằng có vẻ như Tổng thống Trump đang thực hiện một chiến lược nhằm bảo bảo vệ ông về mặt chính trị trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Dự đoán của Tổng thống Donald Trump về việc nước Mỹ đang cận kề chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 đang ngày càng trở nên xa vời trong bối cảnh số ca nhiễm và ca tử vong tại quốc gia này tăng vọt trong thời gian gần đây.
Ông Trump muốn thay đổi chiến lược chống Covid-19. Ảnh: NBC News. |
Trước đó hôm 24/3, ông Trump tuyên bố đã “nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm” và mường tượng về một viễn cảnh các nhà thờ Phục sinh đông đúc người qua lại, người dân Mỹ thoát khỏi sắc lệnh “phải ở nhà” và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại.
Phát biểu với kênh truyền hình Fox News từ Vườn Hồng tại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ nói ông muốn Mỹ sẽ "mở trở lại" các hoạt động kinh tế vào dịp lễ Phục sinh sắp tới (ngày 12/4). Tổng thống Trump cho biết thêm, chính phủ Mỹ sẽ đánh giá lại quy định "giãn cách xã hội" trong 15 ngày nhằm làm chậm tốc độ lây nhiễm của Covid-19 khi quy định này hết thời hạn, dự kiến vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "Chúng ta phải mở cửa đất nước".
Cảnh báo không thể phớt lờ
Tuyên bố đầy lạc quan của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh hơn 1 nửa dân số Mỹ đang sống dưới sắc lệnh “buộc phải ở nhà” khi các tiểu bang trên toàn quốc tăng cường nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Theo CNN, ít nhất 13 tiểu bang và 30 thành phố đã yêu cầu hơn 166 triệu người – chiếm tới 51% dân số Mỹ, phải ở trong nhà.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã so sánh virus SARS-CoV-2 giống như một con tàu cao tốc, và cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều người dân New York tử vong do tình trạng thiếu máy thở. Theo ông Cuomo, sự bùng phát dịch bệnh sẽ lên đến đỉnh điểm trong khoảng thời gian từ 14 đến 21 ngày tới - thời điểm mà Tổng thống Trump muốn “mở cửa đất nước”.
Trong khi đó, các nhân viên y tế đang gióng lên hồi chuông báo động về tình hình trong các phòng cấp cứu của quốc gia. Bang Louisiana nói với Nhà Trắng rằng, năng lực chăm sóc sức khỏe tại New Orleans sẽ bị quá tải trong 1 tuần. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Mỹ đang đi theo xu hướng của Trung Quốc và Italy, có nguy cơ trở thàm tâm chấn dịch bệnh mới.
Tính đến ngày 25/3, Mỹ đã ghi nhận 54.916 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 784 trường hợp tử vong. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sự “làm phẳng đường cong” tại quốc gia này. Nhiều chuyên gia nhận xét rằng, số ca mắc gia tăng có thể là do kết quả của việc tăng cường xét nghiệm, nhưng cũng cho thấy virus đang lây lan với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.
Giới chức y tế Mỹ đang chạy đua với thời gian để hạn chế dịch bệnh nhằm giảm bớt làn sóng các ca bệnh có thể gây sụp đổ hệ thống y tế, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc. Trong một cuộc họp ngày 23/3, Thống đốc Cuomo đã chỉ trích chính phủ liên bang không mở kho dự trữ để giúp bang này đối phó với tình trạng thiếu hụt 30.000 máy thở. “Chúng tôi đã không thể làm phẳng đường cong và đường cong đang thực sự gia tăng”.
Phát biểu với CNN, Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti cho biết: “Không có trường lực xung quanh bất cứ nơi nào tại Mỹ. Có thể có một số điểm sáng trong thời gian tới nhưng tình hình hiện giờ vẫn rất xấu”.
Một số ý kiến khác cho rằng nếu các hạn chế về đi lại được dỡ bỏ quá sớm thì điều này có thể đẩy nhanh tốc độ lây nhiễm và gây thiệt hại kinh tê lâu dài hơn. “Nếu Nhà Trắng sớm nới lỏng biện pháp “giãn cách xã hội”, thì điều này sẽ làm tăng nguy cơ đỉnh dịch dến sớm hơn”, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết trong một tuyên bố hôm qua (24/3).
Nước Mỹ trước viễn cảnh tê liệt vì Covid-19, Trump có kịp trở tay?
Bài học từ lịch sử
Các chuyên gia y tế khẳng định các biện pháp cách ly là nền tảng ngăn ngừa sự truyền nhiễm virus, nếu không, nhiều khả năng số ca tử vong sẽ tăng vọt một cách không kiểm soát.
Ông Jen Kates, giám đốc chính sách y tế và HIV toàn cầu tại Kaiser Family Foundation nhận định: “Mọi người sống trong thời đại hiện nay đều không muốn ở trong tình huống này, tuy nhiên việc kêu gọi chấm dứt biện pháp giãn cách xã hội là quá sớm. Không một bằng chứng nào cho thấy việc kết thúc sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt. Thay vào đó, nó có thể khiến nhiều người bị nhiễm bệnh, nhiều người bị tử vong hơn”. Chuyên gia Jen Kates ươc tính, con số tử vong có thể lên đến hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu người.
Đã có những bài học trong lịch sử cho thấy hậu quả của việc chấm dứt việc “giãn cách xã hội” quá sớm. Vào năm 1918, thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch cúm Tây Ban Nha. Ước tính có tới 100 triệu ca tử vong trên toàn cầu và 675.000 ca tử vong tại Mỹ. Thời điểm đó, các thành phố trên khắp nước Mỹ đã áp dụng các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những nghiên cứu trong giai đoạn này cho thấy, các biện pháp nói trên đã đạt hiệu quả trong việc hạn chế số ca tử vong. Song nhiều thành phố, do lo ngại ảnh hưởng của việc “giãn cách xã hội” đối với nền kinh tế và cuộc sống người dân đã sớm chấm dứt biện pháp này. Khi đó số trường hợp nhiễm cúm và số ca tử vong gia tăng trở lại.
Chiến lược chính trị của ông Trump?
CNN cho rằng có vẻ như Tổng thống Trump đang theo một chiến lược được thiết kế để bảo vệ ông về mặt chính trị trước ảnh hưởng của đại dịch. Tổng thống Trump xuất hiện trong phòng họp của Nhà Trắng mỗi tối vào thời điểm quan trọng để công bố những tin tức tích cực nhất trong ngày, thường có vẻ lạc quan, như nói về tiềm năng của một số liệu pháp chữa trị hay lặp lại tuyên bố phái tàu bệnh viện đến Los Angeles và New York. Trước đó hôm qua (24/3) ông cũng cam kết rằng quyết định đưa nước Mỹ mở cửa trở lại sẽ dựa trên việc đánh giá về y tế và nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân.
“Chúng tôi sẽ chỉ làm điều đó nếu nó lực sự tốt”, ông Trump nói, đồng thời khẳng định ông sẽ lắng nghe các khuyến nghị từ bác sỹ Anthony Fauci và bác sĩ Deborah Birx, hai chuyên gia y tế hàng đầu trong lực lượng đặc nhiệm chống virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng.
Một số nhà phân tích cho rằng, ý định của ông Trump "mở cửa trở lại" các hoạt động kinh tế vào dịp lễ Phục sinh sắp tới có thể thay đổi. Nhưng tuyên bố này có khả năng giúp ông giành được chiến thắng chính trị khi sự khó khăn về kinh tế ngày càng nghiêm trọng hơn trong những tuần tới và ngày càng có thêm nhiều người dân Mỹ khát khao quay trở lại làm việc. Ông Trump cũng hiểu rằng nếu nền kinh tế không thể phục hồi vào quý 2 thì nó sẽ khó có cơ hội “bùng nổ” vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử vào tháng 11/2020./.