Trứng bẩn nhiễm thuốc trừ sâu đã lan rộng ra 45 nước châu Âu
VOV.VN - Tính đến ngày 5/9, trứng nhiễm Fipronil bắt nguồn từ Hà Lan đã được phát hiện tại 45 quốc gia, bao gồm 26 trong số 28 nước thành viên của EU.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang có cuộc gặp tại thủ đô Tallinn của Estonia để bàn về vấn đề trứng nhiễm bẩn vốn gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.
Trứng bẩn bị loại trước khi đến tay người tiêu dùng EU. (Ảhh: AFP)
Bộ trưởng các vấn đề nông thôn của Estonia, Tarmo Tamm nhấn mạnh, nhu cầu cấp thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước thành viên EU sau vụ bê bối trứng "bẩn" nhiễm chất Fipronil.
“Sức khỏe của công dân EU là điều vô cùng quan trọng đối với chúng tôi”, ông Tarmo Tamm cho biết. “Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc và do đó chúng tôi đã mời Ủy viên châu Âu phụ trách về y tế và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis đến để đưa ra cái nhìn tổng thể về tình hình hiện nay. Tôi hy vọng, việc giải quyết các tình huống khủng hoảng như thế này một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn.”
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis cho biết, tác động của việc sử dụng bất hợp pháp chất Fipronil đã lên tới quy mô toàn châu Âu, với hàng trăm trang trại bị đóng cửa.
Trong số 45 nước phát hiện trứng "bẩn", có 26 nước thuộc Liên minh châu Âu và 19 nước ngoài khối này. Con số này gia tăng so với 35 nước bị phát hiện trứng bẩn được ghi nhận hồi tuần trước.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), hiện chỉ còn Croatia và Lithuania là hai nước thành viên duy nhất còn lại trong EU chưa phát hiện trứng "bẩn". Ông Andriukaitis cho biết, các chuyên gia sẽ tới "tâm điểm" của vụ bê bối trứng bẩn là Bỉ, Hàn Lan, Đức và Pháp vào cuối tháng này hoặc sang tháng 10 để tìm hiểu thực tế về vụ bê bối này.
Trứng bẩn bị hủy ngay tại 1 trang trại ở Hà Lan. (Ảnh: EPA)
Theo kế hoạch, bộ trưởng nông nghiệp các nước EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 26/9 tới để thảo luận biện pháp nâng cao an toàn thực phẩm và ngăn chặn những vụ bê bối gian lận tương tự lặp lại.
Như vậy, từ khi vụ bê bối trứng nhiễm Fipronil bị phanh phui hôm 1/8, hàng triệu quả trứng và các sản phẩm làm từ trứng đã đồng loạt bị rút khỏi kệ hàng tại các siêu thị châu Âu nhằm hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại rằng trứng nhiễm bẩn có thể đã được đưa vào xử lý trong chuỗi thức ăn, chủ yếu là các sản phẩm được chế biến sẵn như bánh quy, bánh ngọt và sốt salad. Có thể thấy, vụ bê bối về thực phẩm "bẩn" và thực phẩm giả đang là nỗi lo của người tiêu dùng châu Âu.
Các chuyên gia ước tính thiệt hại tài chính của vụ bê bối trứng “bẩn” lần này có thể lên tới hàng triệu euro và sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với ngành chăn nuôi gia cầm và các thị trường nông sản tại châu Âu. Đây là cú sốc mới đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm ở Hà Lan sau vụ tiêu hủy 190.000 con vịt hồi tháng 11 năm ngoái.
Vụ việc được cho là bắt nguồn từ Hà Lan sau khi một công ty của nước này là Chickfriend sử dụng Fipronil tại các trang trại gia cầm để diệt bọ đỏ ký sinh trên gà. Fipronil là hóa chất được dùng rộng rãi trong thú y để điều trị bọ chét song bị EU cấm sử dụng cho động vật lấy thịt như gà.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, Fipronil trở nên độc hại và gây nguy hiểm đến thận, gan, tuyến giáp nếu hấp thụ nhiều vào cơ thể. Còn Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Hà Lan khẳng định Fipronil dẫn tới nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, thậm chí là động kinh.
Để ngăn chặn tình trạng này, Cơ quan cảnh sát liên minh châu Âu (Europol) và Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) thường xuyên tiến hành các chiến dịch truy quét thực phẩm “bẩn”, thực phẩm giả và kém chất lượng. Tuy nhiên, để ngăn chặn tận gốc các vụ bê bối “trứng bẩn” đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành và lương tâm của người kinh doanh bởi nhiều nước cho rằng, Hà Lan đã bưng bít vụ việc dù phát hiện từ tháng 11/2016./.