Nghi vấn này do những chuyên gia hàng đầu của Australia đưa ra sau khi tờ The Australian loan tin tàu tìm kiếm cứu hộ Đông Hải Cứu 101 hầu như không thực hiện bất kỳ hoạt động tìm kiếm thực tế nào kể từ khi đến TP. Fremantle thuộc bang Tây Australia hồi tháng 2/2016.
|
Tàu cứu hộ Đông Hải Cứu 101 của Trung Quốc bị cáo buộc chỉ tìm cách do thám Úc chứ không tìm kiếm máy bay MH370. (ảnh: The Australian). |
Australia là nước đóng vai trò điều phối chiến dịch quốc tế tìm kiếm chiếc Boeing 777 số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích từ ngày 8/3/2014 khi đang chở 239 người từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Kết quả phân tích của The Australian từ các bản tin do Trung tâm điều phối chung (JACC) của chính phủ Australia đưa ra cho thấy trong suốt giai đoạn hiện diện tại nước này từ tháng 2 - 8/2016, tàu Đông Hải Cứu 101 chỉ có mặt trong phạm vi tìm kiếm khoảng 17 đến 30 ngày. Thời gian còn lại, con tàu quanh quẩn trong khu vực Tây Australia với nhiều lý do, chẳng hạn như “tránh thời tiết xấu”. Đặc biệt, đây là một trong những khu vực trọng yếu của quân đội Australia với căn cứ tàu ngầm HMAS Stirling cùng nơi đóng trú của trung đoàn không quân đặc nhiệm, trạm liên lạc vệ tinh quốc phòng và trạm liên lạc hải quân.
“Từ kinh nghiệm của mình, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một tàu như Đông Hải Cứu 101 có vai trò thu thập thông tin tình báo”, cựu Giám đốc Tình báo an ninh Australia Clive Williams nhận định với The Australian. Tương tự, theo chuyên gia Greg Barton thuộc Đại học Deakin (Australia), chuyện tàu này đóng thêm vai trò do thám là “điều dĩ nhiên”.
Đến nay, Trung Quốc chưa có phản ứng về các cáo buộc trên, còn trang News.com.au dẫn lời một phát ngôn viên của JACC khẳng định “không có bằng chứng” cho thấy tàu Đông Hải Cứu 101 do thám quân đội Australia. Ông này nói thêm rằng những cáo buộc con tàu tiến hành các hoạt động ngoài phạm vi chiến dịch tìm kiếm MH370 “chỉ mang tính suy đoán”./.