Trung Quốc công bố Quy hoạch phát triển khoa học vũ trụ đầu tiên
VOV.VN - Trung Quốc ngày 15/10 đã công bố “Quy hoạch phát triển trung và dài hạn khoa học vũ trụ quốc gia (2024-2050)”. Đây là chương trình phát triển cấp quốc gia đầu tiên về khoa học vũ trụ của nước này. Quy hoạch đặt ra mục tiêu rõ ràng là xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc khoa học vũ trụ của thế giới vào năm 2050.
Quy hoạch đã đưa ra các mục tiêu và lập kế hoạch cho các sứ mệnh khoa học vũ trụ và nghiên cứu không gian của Trung Quốc từ 2024-2050. Quy hoạch do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) phối hợp phát hành, nhằm mục đích “đạt được sự phát triển chất lượng cao về khoa học vũ trụ, thúc đẩy những đột phá sáng tạo trong công nghệ vũ trụ, nâng cấp các ứng dụng không gian, đứng hàng đầu thế giới trong các quốc gia vũ trụ và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc khoa học vũ trụ”.
CAS cũng nhấn mạnh, việc triển khai quy hoạch này dự kiến sẽ đẩy nhanh những đột phá mang tính cách mạng về nghiên cứu khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học vũ trụ của Trung Quốc, giúp nước này sớm đạt được những thành tựu khoa học lớn tầm cỡ thế giới, thúc đẩy những tiến bộ nhảy vọt vượt thế hệ trong công nghệ vũ trụ và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của các ứng dụng không gian.
Quy hoạch đưa ra lộ trình phát triển gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2027, vận hành Trạm vũ trụ Trung Quốc, thực hiện thám hiểm Mặt Trăng có người lái, giai đoạn thứ tư của chương trình thám hiểm Mặt Trăng và thăm dò các hành tinh, luận chứng và phê duyệt 5-8 sứ mệnh vệ tinh khoa học vũ trụ và hình thành một số thành tựu ban đầu có ảnh hưởng quốc tế quan trọng.
Giai đoạn 2, từ 2028-2035, tiếp tục vận hành Trạm vũ trụ, luận chứng và thực hiện các sứ mệnh khoa học thám hiểm Mặt Trăng có người lái và Trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng quốc tế, luận chứng và thực hiện khoảng 15 sứ mệnh vệ tinh khoa học vũ trụ, đạt được những thành tựu ban đầu hàng đầu thế giới. Giai đoạn 3, từ 2036-2050, luận chứng và thực hiện hơn 30 sứ mệnh khoa học vũ trụ, các lĩnh vực quan trọng đạt trình độ dẫn đầu thế giới.
Về chương trình thám hiểm Mặt Trăng có người lái, ông Lâm Tây Cường, người phát ngôn của CMSA, cho biết: “Chúng tôi sẽ lập kế hoạch tổng thể tận dụng các chuyến bay thử nghiệm trước khi đưa người lên Mặt Trăng lần đầu tiên và các cơ hội thực hiện sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng, triển khai các thí nghiệm khoa học vũ trụ quy mô lớn. Hiện tại, chúng tôi đã bước đầu hoạch định các mục tiêu khoa học theo 9 hướng chính thuộc 3 lĩnh vực: khoa học Mặt Trăng, khoa học trên Mặt Trăng và thăm dò, sử dụng tài nguyên”.
Trong khi đó, ông Dương Tiểu Vũ, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật hệ thống của CNSA, tiết lộ Trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng quốc tế (ILRS) của Trung Quốc đã đạt được những kết quả sâu rộng trong hợp tác quốc tế. Nước này đã ký thỏa thuận với 17 quốc gia và tổ chức quốc tế, đồng thời sẵn sàng cung cấp các cơ hội hợp tác ở nhiều cấp độ và dưới nhiều hình thức cho các đối tác quốc tế.
Quy hoạch đầu tiên về khoa học vũ trụ của Trung Quốc còn đưa ra 17 hướng phát triển ưu tiên thuộc 5 chủ đề khoa học lớn, gồm vũ trụ cực đoan, những gợn sóng của không gian và thời gian, toàn cảnh về Hệ Mặt Trời-Trái Đất, các hành tinh có thể sinh sống được và khám phá các quy luật của không gian.