Trung Quốc công bố tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên cho kim cương nano
VOV.VN - Trung Quốc vừa chính thức công bố tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về nano kim cương, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp vật liệu nano kim cương của nước này.
Theo thông tin từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Ủy ban Tiêu chuẩn Quốc gia Trung Quốc mới đây đã chính thức ban hành tiêu chuẩn quốc tế mang tên “Vật liệu độn chức năng đặc biệt Nano kim cương cho polymer”. Tiêu chuẩn này không chỉ là cột mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp nano kim cương của Trung Quốc, mà còn thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của quốc gia này trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng vật liệu nano.

Nano kim cương, với kích thước hạt ở mức nanomet (10^-9 mét), là một vật liệu carbon có các đặc tính vượt trội như cách điện, độ cứng siêu việt, khả năng dẫn nhiệt vượt trội, độ chống mài mòn xuất sắc và đặc tính hóa học bề mặt độc đáo. Nano kim cương đã chứng minh được tiềm năng to lớn trong việc nâng cao các tính năng quan trọng của polymer như độ bền, độ dẻo dai, khả năng chống mài mòn, dẫn nhiệt và giảm ma sát. Các ứng dụng của nó đã được mở rộng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như hàng không vũ trụ, điện tử chính xác, thiết bị y tế, và ô tô năng lượng mới….
Tiêu chuẩn mới này lần đầu tiên định nghĩa và phân loại vật liệu nano kim cương, xác định các chỉ tiêu và phương pháp kiểm tra hiệu suất, quy trình đánh giá trong polymer, và các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường. Một trong những điểm đặc biệt của tiêu chuẩn này là quy định về độ tinh khiết của nguyên liệu và cấu trúc tinh thể, đồng thời đưa ra phương pháp đánh giá độ ổn định phân tán của nano kim cương trong nền polymer.
Các chuyên gia từ nhiều quốc gia, bao gồm Đức, Nhật Bản, Israel và Thụy Sĩ…, đã cùng nhau đóng góp vào quá trình nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn này. Đặc biệt, phương pháp luận đặc trưng vật liệu nano “1+N+X” do các chuyên gia Trung Quốc sáng tạo, là một điểm nhấn quan trọng trong tiêu chuẩn này.
Với việc công nhận và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế này, Trung Quốc đã không chỉ củng cố được vị thế của mình trong lĩnh vực vật liệu nano mà còn mở rộng các cơ hội ứng dụng công nghệ này trong các ngành công nghiệp tiên tiến toàn cầu.