Trung Quốc điều tra cựu Bí thư Tây Tạng
VOV.VN - Cựu Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc ngày 16/6 đã được thông báo về việc bị điều tra sau hơn hai năm rời nhiệm sở. Đây cũng là cựu Bí thư thứ hai của một đơn vị hành chính cấp tỉnh ở nước này bị “ngã ngựa” kể từ sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc ra thông báo trên trang web chính thức cho biết, ông Ngô Anh Kiệt, cựu Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng bị “nghi vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng” - cụm từ thường được dùng để chỉ hành vi tham nhũng và hiện đang bị cơ quan này thẩm tra kỷ luật và điều tra giám sát.
Quan chức này từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Khoa học, Văn hóa và Y tế của Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13, ủy viên thường vụ Chính hiệp toàn quốc (Mặt trận) Trung Quốc khóa 14 và cựu Bí thư Khu tự trị Tây Tạng.
Sau khi “ngã ngựa”, ông Ngô Anh Kiệt đã trở thành cán bộ do trung ương quản lý thứ 33 bị điều tra trong năm nay ở nước này. Ông cũng là nguyên Bí thư cấp tỉnh thứ hai bị điều tra kể từ Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022, sau ông Tôn Chí Cương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu, đồng thời đưa số quan chức đứng đầu cấp tỉnh và cấp bộ bị điều tra kể từ Đại hội 20 lên 8 người.
Thông tin công khai cho thấy, ông Kiệt sinh năm 1956, năm nay 68 tuổi, từng làm việc ở Tây Tạng 47 năm. Năm 2003, ông bắt đầu giữ chức Phó chủ tịch chính quyền Khu tự trị Tây Tạng, đến năm 2016 được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy và giữ chức vụ này đến tháng 10/2021.
Sau khi rời Tây Tạng, ông giữ các chức vụ tại Nhân đại toàn quốc và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Việc ông Ngô Anh Kiệt bị “ngã ngựa” cũng đồng nghĩa với việc số lãnh đạo từng giữ chức Bí thư cấp tỉnh trong số các quan chức cấp cao bị điều tra kể từ sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 tăng lên 12 người. Còn theo trang Caixin của nước này, đã có 6 quan chức cấp cao ở Tây Tạng bị “ngã ngựa” kể từ sau Đại hội 18 và ông Ngô Anh Kiệt là quan chức đứng đầu cấp tỉnh duy nhất trong số đó. Ông cũng là “người đứng đầu” đã nghỉ hưu đầu tiên ở Tây Tạng bị điều tra kể từ sau cải cách mở cửa.