Trung Quốc "gậy ông đập lưng ông" khi tính kế chia rẽ Mỹ - EU?
VOV.VN - Tính chia rẽ Mỹ và EU nhưng chuyến thăm châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dường như đã bị phản tác dụng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khép lại chuyến công du châu Âu với những kết quả không như kỳ vọng.
Đây là một chuyến thăm không hề dễ dàng. Ông Vương Nghị đã đến châu Âu vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc - EU đã ở một mức độ mới và Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu vào tháng này.
Tại Paris, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định thúc đẩy quan hệ đối tác "xanh" và "kỹ thuật số" với châu Âu trong khi ở Hà Lan, ông Vương Nghị nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những cải cách chống chủ nghĩa bảo hộ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Trung Quốc cũng khắc họa Mỹ là mối đe dọa với hòa bình và an ninh toàn cầu khi nói rằng về cơ bản, Bắc Kinh phản đối một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" và ủng hộ "sự đoàn kết, hợp tác, cởi mở và bình đẳng".
Chuyến thăm của ông Vương Nghị đã bỏ qua Vương quốc Anh, vốn từ một nước ủng hộ ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Âu nhất, nay chuyển sang chỉ trích Bắc Kinh. Điểm dừng chân của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Brussels (Bỉ) cũng không như kỳ vọng khi vấp phải những chỉ trích ngày càng mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo EU.
Chính phủ các nước châu Âu công khai chỉ trích Bắc Kinh, từ vấn đề Hong Kong, Tân Cương cho đến việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.
EU ngày càng thất vọng với sự trì hoãn của Trung Quốc, đặc biệt trong việc chấm dứt những hạn chế đối với việc tiếp cận thị trường nước này. Đây cũng là lý do chính cho thấy tại sao các cuộc trao đổi về hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc vẫn trong tình trạng đóng băng.
Không lâu sau khi ông Vương Nghị đến châu Âu, quan chức ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell đã viết một bài bình luận gọi Trung Quốc là một “đế chế mới", đồng thời hối thúc châu Âu cân nhắc lại quan hệ với Bắc Kinh trước khi "quá muộn".
Khi ở thăm Hà Lan và Đức, ông Vương Nghị đe dọa Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc phải "trả giá đắt vì cách hành xử thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị" khi ông Milos Vystrcil đến thăm Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, ngay sau đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã phản ứng trong một cuộc họp báo bằng cách tuyên bố "những lời đe dọa trên không phù hợp ở đây" và kêu gọi EU "kề vai sát cánh".
Nói rộng ra, ông Maas đã khẳng định rằng EU sẽ không cho phép bản thân trở thành "trái bóng chính trị" trong sự đối đầu giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc", đồng thời đánh giá "EU phải đại diện cho các lợi ích của mình một cách độc lập hơn"
Trên thực tế, chuyến thăm châu Âu với mục đích thúc đẩy quan hệ EU - Trung Quốc và chia rẽ quan hệ EU - Mỹ của Ngoại trưởng Vương Nghị dường như đã bị phản tác dụng. Rõ ràng, thay vì thân thiện và cởi mở hơn, châu Âu dường như ngày càng hoài nghi và ngần ngại “bắt tay” với Trung Quốc./.