Trung Quốc lần đầu tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới
VOV.VN - Gần 1.100 sỹ quan và binh sỹ Trung Quốc đang tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ đứng đầu.
Theo CCTV, hạm đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lần này bao gồm một tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương, tàu vận tải Thiên Đảo Hồ, tàu y tế Phương Châu Hòa Bình và hai tàu có bãi đáp máy bay trực thăng cùng với một đội lính đặc nhiệm, một đội thợ lặn và một đội y tế.
Trong cuộc tập trận diễn ra từ ngày 26/6-1/8, tàu Trung Quốc sẽ tham gia vào các chiến dịch thử vũ khí, vận chuyển hàng hóa, kiểm soát thiệt hại, chống cướp biển, giải quyết thảm họa thiên nhiên, phối hợp tác chiến giữa các tàu chiến.
Các tàu tham gia cuộc tập trận RIMPAC (Ảnh ABC News)
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC)- được tổ chức 2 năm một lần, lần này có sự tham gia của 20 quốc gia trên thế giới. Hàng chục tàu chiến và tàu ngầm cũng như hơn 200 máy bay và 25.000 thủy thủ các nước sẽ tham gia vào cuộc tập trận nói trên.
GS Michael Wesley tại Trường Đại học Quốc gia Australia cho biết việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.
“Một điều rất quan trọng là Trung Quốc cần phải tham gia vào các cuộc tập trận nói trên để gạt đi những nghi ngại của Trung Quốc rằng nước này đang bị bao vây bởi các nước láng giềng nằm trong liên minh với Mỹ”, GS Wesley nói.
“Tôi cho rằng đây là một suy nghĩ sai lầm của Bắc Kinh và tôi nghĩ rằng việc Trung Quốc tham gia tập trận sẽ thay đổi niềm tin của nước này”, GS Wesley nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hải quân của Philippines cũng tham gia cuộc tập trận nói trên.
Chính phủ Philippines đã bày tỏ sự tức giận đối với việc Trung Quốc chính thức tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và bãi đá đang trong tình trạng tranh cãi trên Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã công bố bản đồ 10 đoạn của mình và ngang nhiên cho rằng toàn bộ vùng biển xuất hiện trên bản đồ này thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Người phát ngôn Philippines Charles Jose cho rằng tấm bản đồ này thể hiện tham vọng bành trướng của Trung Quốc và đe dọa đến ổn định trong khu vực.
“Chính những tham vọng bành chướng như thế này đã gây căng thẳng trên Biển Đông”, ông Charles Jose tuyên bố.
Trước đó, Bắc Kinh cũng cáo buộc Manila gây căng thẳng trên Biển Đông sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino ủng hộ Nhật Bản thay đổi chính sách quân sự của nước này.
Theo đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mong muốn Nhật Bản sẽ thay đổi bản Hiến pháp vì hòa bình của nước này nhằm cho phép Nhật Bản tham gia tự vệ tập thể thay vì chỉ tự vệ đơn lẻ như trước./.