Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy hợp tác với khu vực Trung-Đông Âu
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo 16 nước Trung-Đông Âu và Trung Quốc đã diễn ra ngày 27/11 tại thủ đô Budapest của Hungary.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực này để đưa mối quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới trong 5 năm tới.
Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Reuters
Trước sự hiện diện của các nhà lãnh đạo tới từ 16 nước Trung và Đông Âu, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định kể từ khi cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc và 16 nước Trung-Đông Âu hình thành cách đây 5 năm đã mang lại hiệu quả đáng kể cho sự hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực.
Cả Trung Quốc và các quốc gia Trung-Đông Âu đều có thế mạnh riêng, có thể bổ sung và thúc đẩy nền kinh tế của nhau, cũng như tạo dựng thành công trên thị trường quốc tế nhờ hợp tác cùng nhau. Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh cơ chế này phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, và hy vọng sẽ mang lại kết quả tích cực trong thời gian tới.
Dù nằm cách xa nhau về mặt địa lý nhưng Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu đã thiết lập một nền tảng hợp tác xuyên khu vực. Đây là một phần của quá trình toàn cầu hóa đang thực sự phát huy ảnh hưởng ở mọi nơi trên thế giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác có tính bổ sung cho nhau ở mỗi quốc gia và khu vực. Mô hình hợp tác như vậy sẽ làm cho thế giới trở nên cởi mở hơn và công bằng hơn.
Về phần mình, Thủ tướng nước chủ nhà Hungary Viktor Orban nhận định 16 nước Trung-Đông Âu tham dự hội nghị chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế châu Âu, và châu Âu cần phải hợp tác với một nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc cả về tài chính và công nghệ để phát hiển hơn trong tương lai.
Thủ tướng c Viktor Orban cho rằng cơ chế hợp tác 16+1 sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các nước thành viên mà còn cho cả châu Âu trên tinh thần cùng thắng.
Với nguồn lực dồi dào cả công nghệ và tài chính, Thủ tướng Orban tin tưởng, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển kinh tế xã hội tại các quốc gia Trung-Đông Âu.
“Các nguồn lực từ châu Âu không đủ cho phát triển tại các nước Trung-Đông Âu, và vì vậy, với vai trò hình thành một trật tự kinh tế thế giới mới, chúng tôi hoan nghênh sự tham dự của Trung Quốc vào quá trình phát triển của khu vực.
Chúng tôi đã xem xét các dự án chính trong khuôn khổ hợp tác này. Điển hình trong số đó là dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt Budapest-Belgrade. Dự án này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông của Tuyến đường Tơ lụa hình thành trong tương lai.
Tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết Trung Quốc sẽ đầu tư hàng tỉ Euro vào các quốc gia Trung-Đông Âu trong thời gian tới. Trong đó, Ngân hàng phát triển Trung Quốc sẽ rót khoảng 2 tỉ Euro thông qua một hiệp hội liên ngân hàng giữa Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu được khai trương ngày 27/11. Giai đoạn hai Quỹ hợp tác đầu tư hai bên cũng đã được khởi động với số vốn lên tới gần 1 tỉ Euro, chủ yếu dành cho các nước Trung-Đông Âu.
Hungary cũng công bố gọi thầu dự án nâng cấp tuyến đường sắt nối liền Hungary và Serbia trị giá gần 2 tỉ Euro, với phần lớn vốn vay từ Ngân hàng Xuất-nhập khẩu Trung Quốc.
Cùng ngày đã diễn ra diễn đàn doanh nghiệp với sự tham dự của đại diện hơn 1.000 doanh nghiệp tới từ Trung Quốc và 16 nước Trung-Đông Âu. Hàng chục thỏa thuận và hợp đồng kinh tế cũng đã được ký kết tại diễn đàn, trong đó có thỏa thuận xây tuyến một đường cao tốc nối Serbia với Croatia trị giá 450 triệu Euro.
Trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố hội nghị đã thành công, và Bulgaria sẽ là nước chủ nhà của hội nghị năm 2018./.